Tăng cường ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng cháy chữa cháy

Thứ hai, ngày 22/04/2019

Khu vực Đông Nam bộ nói chung, Bình Dương nói riêng đang trong đỉnh điểm mùa nắng nóng, kéo theo nguy cơ cháy nổ tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang nỗ lực phòng, chống cháy nổ hiệu quả.

(BDO)

 Nguy cơ cháy cao

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các vụ cháy xuất phát từ sự bất cẩn, vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Điển hình, ngày 11-4 vừa qua đã xảy ra vụ cháy lớn tại Công ty Pan Pacific logistics, (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An), thiêu rụi gần 20.000m2 khu nhà xưởng. Do kho xưởng của công ty này chứa chủ yếu gỗ, bao bì và đồ dùng bách hóa nên khi xảy ra cháy, lửa lan nhanh, bao trùm khiến toàn bộ khu nhà xưởng bị thiêu rụi, đổ sập.

 Lực lượng phòng cháy chữa cháy nỗ lực chữa cháy tại Công ty Pan Pacific logistics, Khu công nghiệp Sóng Thần II xảy ra ngày 11-4 vừa qua

Trước đó, ngày 8-3, chỉ trong buổi chiều, tại Bình Dương liên tiếp xảy ra hai vụ cháy lớn: Một vụ tại kho hóa chất ở đường An Bình, phường An Bình, TX.Dĩ An khiến cả trăm thùng phuy chứa sơn, hóa chất bị cháy; một vụ xảy ra tại công ty chuyên sản xuất đồ gỗ ở TX.Bến Cát.

Mặc dù các vụ cháy nói trên không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại nhiều tài sản của người dân, doanh nghiệp. Theo cơ quan chức năng, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế trong việc phòng cháy chữa cháy, như: Bố trí, sắp xếp tài sản, vật liệu trong nhà kho, nhà xưởng không bảo đảm an toàn, cụ thể nhiều nơi còn để hàng hóa gần nơi có nguồn nhiệt; hàng hóa sắp xếp không gọn gàng, cản trở lối thoát nạn, cản trở phương tiện chữa cháy; hệ thống điện đấu mắc, sử dụng mất an toàn, rất dễ gây sự cố chập, cháy, nhất là những công trình xây dựng lâu năm...

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh, cho biết qua hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, người đứng đầu cơ sở có quan tâm đến công tác PCCC, đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC; công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở được duy trì theo quy định; các cơ sở khi mới thành lập trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống PCCC, bể nước phục vụ chữa cháy…

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC. Cụ thể, một số doanh nghiệp trang bị phương tiện, hệ thống PCCC, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC chỉ để đối phó cơ quan chức năng là chính; thiếu sự kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn PCCC... Cho nên, khi xảy ra cháy các doanh nghiệp này thường bị động, bất ngờ, dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Doanh nghiệp có nhiều cố gắng

Ông Bùi Đức Nguyện, Giám đốc an toàn Công ty Baf Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An), cho biết là một đơn vị kinh doanh hóa chất lớn nên công tác PCCC và CNCH luôn được công ty chú trọng. Định kỳ, công ty phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC ở địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên của công ty và đối tác. Thông qua các buổi tập huấn này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên công ty trong tổ chức thực hiện PCCC và CNCH, nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC và biết cách sử dụng hiệu quả các phương tiện, dụng cụ PCCC được công ty trang bị khi có sự cố cháy xảy ra.

Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên), chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Thời gian qua, công tác PCCC rất được lãnh đạo công ty quan tâm. Hiện nay, hệ thống trang thiết bị PCCC tại các nhà xưởng của công ty được lắp đặt khá hoàn chỉnh, bảo đảm công năng hoạt động. Cụ thể, công ty đã lắp đặt một bồn chứa nước dự trữ thường xuyên với trữ lượng lớn để phục vụ ứng cứu, PCCC tại chỗ. Công ty cũng niêm yết tiêu lệnh, nội quy PCCC tại các nhà xưởng, lắp đặt các biển cảnh báo cấm hút thuốc, cấm lửa, nguy hiểm… Bà Trinh cho rằng hơn ai hết, doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình bằng việc tuân thủ những quy định về PCCC.

Theo ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn về an toàn PCCC trong doanh nghiệp gỗ - một lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Qua tập huấn, hầu hết các thành viên của hiệp hội đều có ý thức cao về PCCC; các doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ trang bị thiết bị PCCC, chấp hành nghiêm nội quy, quy định về PCCC. Dự kiến, trong tháng 5 tới, hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo về an toàn cháy nổ, trong đó có sự tham gia của Cảnh sát PCCC và CNCH, các doanh nghiệp thành viên; đồng thời ra mắt đội quản lý rủi ro về an toàn cháy nổ.

Tuy vậy, ông Minh cho rằng hiện đang có sự bất cập trong chính sách về đóng bảo hiểm của các công ty. Cụ thể, các công ty trang bị tốt thiết bị PCCC và chấp hành nghiêm an toàn chữa cháy cũng mua bảo hiểm với số tiền ngang bằng với các công ty khác. Khi có hỏa hoạn xảy ra thì số tiền đền bù giữa những công ty thực hiện tốt quy định về PCCC cũng ngang bằng với các công ty không chú trọng đến khâu an toàn cháy nổ. Đây là vấn đề cơ quan hữu quan cần quan tâm giải quyết sớm.

 Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, cho hay đơn vị đang triển khai kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng và các cơ sở có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC. Đơn vị cũng tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong thực hiện PCCC.

 TIỂU MY