Tăng cường xử lý việc mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử

Thứ hai, ngày 08/05/2023

(BDO)  Thời gian gần đây, thuốc lá điện tử (TLĐT) thế hệ mới ngày càng phổ biến và thâm nhập trực tiếp vào môi trường học đường. Đáng chú ý là đã xuất hiện các loại TLĐT nghi thẩm lậu chất ma túy để bán cho các bạn trẻ…

 Lực lượng công an kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử của Phạm Thành Tuấn. Ảnh: NGỌC HÀ

 TLĐT nghi thẩm lậu ma túy

Trong đợt cao điểm tấn công tội phạm vừa qua, qua rà soát, nắm địa bàn, Công an (CA) TP.Thuận An đã phát hiện đối tượng Phạm Thành Tuấn (SN 2002, tạm trú khu dân cư Việt Sing, kho phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao) đang kinh doanh TLĐT có biểu hiện thẩm lậu chất ma túy cung cấp cho các cơ sở kinh doanh có điều kiện (karaoke, quán bar…). Ngay lập tức CA địa phương đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xác định đối tượng mua hàng qua mạng xã hội, sau đó đưa vào tiêu thụ trên địa bàn.

Qua kiểm tra hành chính, phát hiện Tuấn bày bán 1.440 cây TLĐT với 11 loại nhãn hiệu đang thịnh hành hiện nay. Tuấn khai nhận số lượng TLĐT nêu trên do anh ta mua trên mạng xã hội và được giao bằng đường chuyển phát nhanh, sau đó đưa vào tiêu thụ ở TP.Thuận An.

 CA TP.Thuận An đã tiến hành tạm giữ tang vật phục vụ công tác điều tra. Bước đầu xác định một số sản phẩm tại cửa hàng của Tuấn đã cho kết quả dương tính với ma túy loại Ketamine (KET). Đại diện CA TP.Thuận An cho biết hiện đang mở rộng điều tra, làm rõ đường dây cung cấp mua bán TLĐT có thẩm lậu chất ma túy này để làm căn cứ xử lý.

Đề nghị xử lý các điểm mua bán TLĐT

Để nhận diện cũng như ngăn ngừa, phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT đối với học sinh, thời gian qua, CA tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về vấn đề này trong các trường học. Trung tá Nguyễn Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, CA tỉnh, cho biết: “TLĐT có chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể người sử dụng như hóa chất tạo mùi hương, các kim loại và nicotine. Hầu hết các mẫu TLĐT hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm nạp dung dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng; do không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh. Các em học sinh vẫn chưa hiểu hết về tác hại của TLĐT. Do đó, tại các buổi tuyên truyền, chúng tôi vừa tuyên truyền các quy định của pháp luật vừa giải đáp thắc mắc cho các em liên quan đến tác hại của thuốc lá, TLĐT, từ đó khuyến cáo học sinh không nên sử dụng, không lôi kéo, rủ rê bạn bè hút thuốc lá”.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị một số bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng TLĐT tại các cơ sở giáo dục; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh TLĐT, thuốc lá nung nóng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, TLĐT, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

 

Một số nhãn hiệu thuốc lá điện tử thế hệ mới được đối tượng Tuấn mua từ mạng xã hội và tiêu thụ tại Bình Dương. Ảnh: TÂM TRANG

 Theo Bộ Y tế, những năm gần đây tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là TLĐT (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe. TLĐT có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch TLĐT còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng, gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này.

TÂM TRANG