Tăng cường tuyên truyền Chương trình OCOP
Nhằm tạo sự chủ động, thống nhất cao trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua Chi cục Phát triển nông thôn đã chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền Chương trình OCOP.
Quang cảnh Hội nghị tuyên truyền Chương trình OCOP năm 2024
Đạt nhiều kết quả tích cực
Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết thời gian qua chi cục đã tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền Chương trình OCOP cấp tỉnh, với gần 290 lượt người tham dự và 16 hội nghị tuyên truyền cấp huyện với trên 660 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, chi cục đã lắp đặt 18 pa-nô tuyên truyền Chương trình OCOP tại các huyện, thành phố; cấp phát 5.000 quyển sổ tay hướng dẫn triển khai, tham gia Chương trình OCOP cho các địa phương; cấp phát 40.000 tem OCOP 4 sao, 3 sao cho các chủ thể.
Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 5 lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các cấp với 272 lượt cán bộ tham dự; tổ chức tập huấn 31 lớp triển khai đến đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã với gần 1.300 người tham dự; tổ chức 2 đợt tập huấn, hướng dẫn thực hành phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương với 247 người tham dự. Song song đó, chi cục hỗ trợ 81 lượt chủ thể tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương; phối hợp vận động các đơn vị tham gia 14 đợt trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ 27 chủ thể OCOP giới thiệu, quảng bá, xúc tiến sản phẩm bằng clip.
Chi cục Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ 34 tài khoản phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR (FaceFarm) cho 34 chủ thể sử dụng 1 năm; triển khai ứng dụng phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP tỉnh cho các cấp tham gia vào quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh. Chi cục còn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp thường xuyên cập nhật sản phẩm và thông tin các chủ thể lên sàn thương mại điện tử tỉnh (binhduongtrade.vn). Đến nay, sàn thương mại điện tử tỉnh đã cập nhật 153 sản phẩm của 84 chủ thể được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và 4 sao; trong đó cập nhật hình ảnh sản phẩm, thông tin chủ thể, giới thiệu, hỗ trợ chủ thể đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm OCOP tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương
Bám sát quan điểm, mục tiêu
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết vừa qua chi cục tổ chức hội nghị tuyên truyền Chương trình OCOP năm 2024. Qua hội nghị, ngành NN&PTNT mong muốn các sở, ngành, địa phương và các chủ thể nắm vững quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích, nội dung và phương pháp thực hiện Chương trình OCOP. Những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc sẽ được ngành NN&PTNT đưa ra các giải pháp trọng tâm thực hiện để Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong toàn tỉnh.
Để Chương trình OCOP ngày càng lan tỏa và hiệu quả, ông Lê Thanh Tâm cho rằng các địa phương trong tỉnh cần bám sát quan điểm, mục tiêu của chương trình theo Quyết định số 919, Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Quyết định số 1166 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 3632 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 2976 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2024 để tham mưu nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.
Ông Lê Thanh Tâm cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, các chủ thể và các tầng lớp nhân dân để nắm rõ hơn ý nghĩa, quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP. Các chủ thể cần chú trọng giải pháp phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thiết kế bao bì; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và lan tỏa thương hiệu trên thị trường.
Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành cũng quan tâm đào tạo, tư vấn, hướng dẫn đối với các nhóm sản phẩm như làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, sinh vật cảnh và nhóm dược liệu tham gia Chương trình OCOP; thông tin để các đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại làm cầu nối kết nối cung - cầu, liên kết phân phối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG