Tăng cường tuyên truyền cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Thứ ba, ngày 13/11/2018

(BDO) Trong buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhằm thông báo tình hình phòng chống tội phạm trong 11 tháng của năm 2018 do Công an tỉnh tổ chức vừa qua, một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều là tình trạng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án lừa tiền người dân và tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội.


Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng một trong những thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng giao thức kết nối internet giả đầu số điện thoại giống số của cơ quan công an để đánh lừa bị hại

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho rằng tội phạm giả danh công an hiện đang xảy ra ở nhiều địa phương. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng giao thức kết nối internet giả đầu số điện thoại giống số của cơ quan công an như 000113, 8400113… rồi gọi đến bị hại nói tài khoản của bị hại có liên quan đến một số đường dây tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền… hiện đang bị điều tra, có lệnh bắt bị hại. Chúng nói đây là vụ án đang điều tra, không được nói với ai, sau đó yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của công an để phục vụ điều tra, nếu không phát hiện vi phạm thì trả tiền lại.

Một số bị hại cảnh giác, không thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên có một số người vì lo sợ trước những lời hù dọa của đối tượng nên đã chuyển tiền. Sau khi bị hại chuyển tiền, đối tượng nhanh chóng chuyển số tiền này qua các tài khoản khác tẩu tán, thậm chí chuyển ra nước ngoài, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, thu hồi tiền cho bị hại.

Theo đại tá Nguyễn Văn Thơm, đến nay thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án nhằm lừa đảo xảy ra ở Bình Dương là 11 vụ, thiệt hại 14 tỷ đồng. Thủ đoạn này rộ lên cách đây khoảng 1 tháng, hiện nay vẫn còn. Công an Bình Dương đã báo cáo cơ quan cấp trên để phối hợp xử lý. Đến nay chưa bắt được đối tượng nào do thủ đoạn quá tinh vi. Tài khoản ngân hàng là do mượn, chuyển tiền rất nhanh nên xử lý không kịp.

Để chủ động phòng ngừa, giải pháp hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phòng ngừa; Công an tỉnh có công văn đến Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng để gửi tin nhắn cho người dân thông báo thủ đoạn lừa đảo để người dân cảnh giác.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phổ biến kiến thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm đến người dân biết và chủ động phòng ngừa cũng như phát hiện các thông tin liên quan đến tội phạm này. Khuyến cáo người dân không nên cho người khác mượn, thuê tài khoản của mình để phục vụ cho việc thanh toán, chuyển tiền; khi phát hiện các thông tin có liên quan đến tội phạm trên thì kịp thời thông báo đến cơ quan công an gần nhất để biết và phối hợp xử lý…

Một trong những vấn đề mà đại tá Nguyễn Văn Thơm cảnh báo nữa là tình hình lừa đảo qua mạng xã hội. Một số đối tượng người nước ngoài làm quen với phụ nữ qua mạng xã hội, sau khi đã thân, các đối tượng này nói có quà muốn gửi về cho bạn, hoặc gửi số tiền lớn để đầu tư, để làm từ thiện. Thậm chí có trường hợp hẹn kết hôn, nói muốn gửi tiền trước nhờ giữ hộ, mua nhà… Một thời gian sau đó có một số đối tượng gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là nhân viên hải quan, nhân viên thuế, nhân viên sân bay… yêu cầu chuyển tiền làm các thủ tục như nộp phạt, đóng thuế… Người bị hại thấy số tiền mình sẽ được nhận quá lớn, có khi lên đến vài tỷ đồng, nếu so với số tiền mình phải bỏ ra để “làm các thủ tục” thì nhỏ nên đồng ý chuyển tiền. Ban đầu chuyển vài trăm triệu đồng, sau đó chuyển lên đến vài tỷ đồng. Thủ đoạn lừa qua mạng xã hội đến nay là 11 vụ, số tiền bị chiếm đoạt khoảng 6 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, liên quan đến mạng xã hội, hiện nay xuất hiện thủ đoạn nhiều đối tượng đã lợi dụng để tiếp cận bị hại sau đó điều bị hại đến nơi vắng vẻ, khách sạn, nhà nghỉ… để gây án. Trong 11 tháng năm 2018, liên quan đến thủ đoạn này đã xảy ra 1 vụ hiếp dâm cướp tài sản, 3 vụ hiếp dâm trẻ em, giao cấu với người dưới 16 tuổi; 2 vụ cướp tài sản, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản.

Nhằm chủ động trước loại tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo, Công an tỉnh đã có công văn cảnh báo thủ đoạn này. Theo Công an Bình Dương, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên bưu điện, viện kiểm sát, công an… gọi điện báo tin giả cho bị hại rằng họ có liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. Bằng kịch bản đã chuẩn bị sẵn, các đối tượng nhiều lần gọi điện thoại, gửi các loại giấy tờ giả mạo về thủ tục tố tụng làm cho bị hại hoang mang, lo sợ. Sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng rồi chiếm đoạt. Cơ quan công an khuyến cáo khi gặp phải các trường hợp có đối tượng gọi điện hoặc vô cớ nhận được “lệnh tạm giam”, mọi người phải cần hết sức bình tĩnh, cảnh giác; không làm theo những điều chúng dẫn dắt, ngừng tiếp chuyện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và trình báo cụ thể tới cơ quan công an để kịp thời xử lý.

 

NHÓM P.V