Tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Thứ ba, ngày 28/05/2024

(BDO) Quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, chiếm được lòng tin người tiêu dùng (NTD) đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ luôn là vấn đề nan giải. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương càng có ý nghĩa quan trọng.

 

Các DN, cơ sở sản xuất tích cực tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm chả lụa Phú Mỹ A tại triển lãm sản phẩm nông nghiệp Bình Dương

 Phong phú sản phẩm Bình Dương

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng hàng Việt, NTD đã tin tưởng, tích cực tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước. Trong hành trình hỗ trợ DN đưa sản phẩm ra thị trường, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã triển khai chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá sản phẩm, để hàng Việt Nam nói chung, hàng hóa Bình Dương nói riêng tiếp tục khẳng định vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nội dung tuyên truyền, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm để thông điệp ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam trở nên gần gũi, thiết thực. Cũng nhờ tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, chất lượng sản phẩm địa phương ngày càng được nâng cao, NTD đã thêm tin yêu, lựa chọn.

Theo đánh giá của ngành công thương, hiện nay, sản phẩm đặc trưng của Bình Dương có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư về dây chuyền công nghệ, phát triển các sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trên thị trường, NTD không còn xa lạ với các sản phẩm như tổ yến thô Hiếu Hằng của Công ty TNHH Hiếu Hằng, dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo), xà lách thủy canh, hồ tiêu lốp Kiết Tường (TP.Bến Cát). Nhiều sản phẩm mang đặc trưng của địa phương cũng đã trở thành sản phẩm tiêu dùng của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh như sầu riêng, quýt hồng (huyện Bắc Tân Uyên), bưởi đường lá cam (TP.Tân Uyên). Ngoài ra còn có các sản phẩm thực phẩm chế biến thân thiện với sức khỏe đã trở nên thân thuộc NTD như rượu bưởi, tinh dầu gội hoa bưởi (huyện Bắc Tân Uyên), rượu hoa Đa Lộc, rượu nếp nương (TP.Bến Cát). Một số sản phẩm tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được tin dùng như chả lụa Phú Mỹ A, sản phẩm đông trùng hạ thảo Tân Hiệp An (TP. Thủ Dầu Một)…

Củng cố niềm tin hàng Việt

Có thể nói, nhờ đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, hàng hóa sản xuất trong tỉnh đã đến gần hơn với NTD. Hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu đa phần là của những DN, cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, có lợi thế và tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Tham gia vào các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, các đơn vị đã cung cấp thông tin về thực trạng và tiềm năng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, giúp tăng hiệu ứng lan tỏa đến đông đảo NTD, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh và thu hút đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, việc tham gia các hội chợ triển lãm trong tỉnh, ngoài nước vừa là cơ hội để các ngành, địa phương và DN thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đề xuất các hình thức tuyên truyền, quảng bá hiệu quả các sản phẩm đến gần hơn với NTD trong nước. Đồng thời, các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kiến nghị một số giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Hầu hết các đơn vị, DN tham gia chương trình đều mong muốn sẽ được Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng hơn để tăng hiệu ứng, như quảng bá tại các hội chợ, phiên chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để DN có điều kiện sản xuất các sản phẩm có chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD. Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng nguyện vọng này là chính đáng và đang kêu gọi các đơn vị tham gia tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa việc tiếp cận các kênh thông tin để các mặt hàng Việt Nam có chất lượng thu hút sự chú ý, quan tâm của NTD.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh ngày càng phong phú, mẫu mã, bao bì đẹp, đã tạo được niềm tin, sự quan tâm của NTD. Kết quả này có sự đóng góp rất tích cực của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động DN chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, sản phẩm còn đưa lên sàn thương mại điện tử, vào các siêu thị, đại lý lớn. Khi đầu ra bảo đảm sẽ kéo theo sản xuất ổn định, giúp DN và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất ngày càng phát triển.

 Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất phát triển sản phẩm mới, chú trọng các sản phẩm đặc trưng của địa phương ở các ngành, lĩnh vực. Các DN, cơ sở, hộ gia đình cần tiếp tục phát huy năng lực, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ và tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các sản phẩm nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 THANH HỒNG