Tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
(BDO) Theo các nhà chuyên môn, vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là vật tư không thể thiếu trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và thi công công trình. Tuy vậy, việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối khi các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng mặt hàng này là yêu cầu hết sức cấp thiết.
Giám sát nghiêm
Bình Dương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và thi công công trình nên nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh lớn. Theo Sở Công thương, năm 2017, các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLNCN trên địa bàn tỉnh đã cung ứng gần 4.300 tấn thuốc nổ công nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Cán bộ, nhân viên một đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh trao đổi nghiệp vụ trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: T.MY
Theo ông Phan Hồng Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương, việc sử dụng VLNCN trong khai thác đòi hỏi công tác an toàn rất cao. Vì thế, trong các đợt kiểm tra, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, các cơ quan chức năng có cơ sở để đánh giá việc chấp hành các quy định về lĩnh vực này của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm của các doanh nghiệp.
Kết quả giám sát chấn động nổ mìn của cơ quan chức năng tại 20 mỏ của 17 doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho thấy, các mỏ đều nằm trong giới hạn cho phép tại QCVN 02: 2008 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN. Các doanh nghiệp hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh đều cung cấp đầy đủ các yêu cầu của đoàn giám sát; các mỏ đều xây dựng phương án giám sát phù hợp với điều kiện và đặc điểm hoạt động của từng mỏ, trong đó có xác định khoảng cách đến những vị trí và công trình cần bảo vệ... Đối với đơn vị tư vấn giám sát, đã có máy móc thiết bị và con người bảo đảm năng lực để thực hiện công tác giám sát.
Việc giám sát các mỏ của các doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách khách quan, tuân thủ các quy trình, quy định tiến hành giám sát theo quy chuẩn 02: 2008/BCT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN và các quy định của pháp luật về sử dụng VLNCN. Hiện nay, việc ghi nhận kết quả chấn động được thực hiện bởi máy đo dao động blastmate III do hãng Instantel (Canada) sản xuất. Máy đo này có thể ghi nhận chấn động và cho kết quả ngay trong khi tiến hành nổ mìn.
Ghi nhận cho thấy, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh đều nghiêm chỉnh thực hiện đúng theo phương án nổ mìn và phương án giám sát nổ mìn đã xây dựng; việc thi công khoan nổ mìn thực hiện theo trình tự và bảo đảm an toàn. Công tác điểm hỏa, tổ chức cảnh giới cũng được các doanh nghiệp tổ chức chặt chẽ; khu vực có nhiều mỏ hoạt động đều có văn bản thể hiện sự liên hệ, phối hợp trong công tác nổ mìn. Đối với người chỉ huy nổ mìn, công nhân nổ mìn và những người tiếp xúc với VLNCN đều được đào tạo và tập huấn định kỳ theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ nổ mìn phi điện và tăng cường các giải pháp kỹ thuật khác như: Sử dụng thuốc nổ thân thiện với môi trường (anfo, nhũ tương), hạn chế sử dụng thuốc nổ AD1, sử dụng bua nước, tưới nước bãi mìn, nạp thuốc nổ vào ống nhựa hoặc bơm hút nước lỗ khoan… đã góp phần hạn chế đáng kể những tác động tiêu cực tới môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân xung quanh khu vực khai thác mỏ có sử dụng VLNCN.
Giảm thiểu tác động đến môi trường
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động thi công nổ mìn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến như giải pháp sử dụng ống nhựa trong thi công nạp mìn, đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên áp dụng hiệu quả; xây dựng phương án nổ mìn phối hợp nhiều phương pháp nổ mìn vi sai phi điện và vi sai điện…
Năm 2018, Sở Công thương đề nghị các doanh nghiệp chưa áp dụng nổ mìn bằng phương pháp phi điện cần có kế hoạch từng bước chuyển đổi để khi có yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi phương pháp từ nổ mìn vi sai điện sang phi điện không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu những tác động của nổ mìn đến công trình nói riêng và đến tổng thể những vấn đề liên quan đến môi trường nói chung.
Xung quanh đề nghị của Sở Công thương, ông Võ Minh Đức, Giám đốc Công ty đá xây dựng Bình Dương cho rằng, đến nay chưa có một báo cáo thống kê hoặc đề tài nào nghiên cứu về vấn đề tác động đến môi trường của phương pháp nổ mìn vi sai phi điện và vi sai điện. Nếu Sở Công thương đưa ra phương án này và bắt buộc thực hiện thì nên đưa ra luận cứ xác đáng nhằm giúp doanh nghiệp thông hiểu và áp dụng trong sản xuất. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Luyến, đại diện Công ty Micco Nam bộ cho rằng, khi tính phương án này, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất, đơn vị cung ứng và người sử dụng để bảo đảm an toàn trong khai thác, đặc biệt là đối với nguồn nước và vấn đề sạt lở bờ biên.
Chia sẻ với những băn khoăn trên, ông Việt cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và đề xuất với lãnh đạo Sở Công thương về các đề tài mà doanh nghiệp đặt ra nhằm đưa ra thông số cụ thể nhất về giảm thiểu tác động môi trường bằng phương pháp phi điện.
TIỂU MY