Tăng cường quản lý thị trường bất động sản
Nhận định của Chính phủ tại Chỉ thị 2196/CT-TTg, thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển quan trọng, nhiều dự án (DA) đã được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời thúc đẩy phát triển KT - XH của đất nước... Tuy nhiên, vẫn còn đó những yếu kém cần khắc phục. Theo Chỉ thị 2196/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các DA phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN
Yếu kém cần khắc phục
Giá cả hàng hóa BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu hàng hóa BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê; tình trạng đầu cơ, kích giá còn phổ biến; giao dịch BĐS có chiều hướng giảm sút, nhất là trong quý 3-2011.
Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các KCN còn hạn chế, vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị. Tình trạng đầu tư xây dựng nhà ở thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các DA chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch BĐS, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường BĐS.
Những yêu cầu cấp thiết
Tại Chỉ thị 2196/CT-TTg, những công việc cụ thể trước mắt được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, gồm:
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trọng điểm có nhiều DA đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát các dự án phát triển nhà ở đang triển khai, các DA đã giao nhưng chậm triển khai để phân loại các DA được tiếp tục triển khai, các DA cần tạm dừng, các DA cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các DA phát triển nhà ở triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, kiểm tra trong quý 1-2012. Cũng trong quý đầu năm 2012, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phải trình Đề án Nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Bộ Tài chính nhận được yêu cầu của Chính phủ là trong quý 2-2012 phải có được đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuế BĐS nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, BĐS. Còn trong quý đầu năm 2012, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư BĐS nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ ban hành hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các DA phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các DA khởi công mới, các DA BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các DA BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
“Tùy theo tình hình và điều kiện của các địa phương, cho phép chuyển đổi các DA nhà ở thương mại sang phục vụ cho mục đích tái định cư và các loại hình nhà ở xã hội để cho thuê giá rẻ nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình nhà ở này của địa phương; cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của từng DA nhà ở thương mại, nhà ở thu nhập thấp cho phù hợp với nhu cầu của thị trường”.
(Trích khoản b, Điều 6 của Chỉ thị 2196/CT-TTg)
Nguyễn Hồng Phúc