Tăng cường quản lý tài nguyên nước: Hiệu quả nhất định

Thứ năm, ngày 08/01/2015

Rất nhiều quyết định, quy định về quản lý tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương được ban hành, cụ thể hóa từ Luật TNN… sau một thời gian đã từng bước kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước dưới đất, mang lại hiệu quả nhất định…

(BDO)

 Khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh rất phổ biến, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước Ảnh: H.A

Nguồn nước có dấu hiệu suy giảm

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho thấy chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu suy giảm. Chất lượng nước sông Sài Gòn, sông Thị Tính có dấu hiệu ô nhiễm và giảm dần từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Đồng thời, chất lượng nguồn nước trên các kênh rạch cũng bị ô nhiễm. Nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại trong 6 tầng chứa nước, phân bố từ độ sâu từ 20 đến trên 100m. Tùy thuộc vào từng vị trí mà số tầng chứa nước khác nhau, trữ lượng và chất lượng nước cũng khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm phân bố, khả năng tiếp nhận nguồn cung cấp mà trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các tầng chứa nước dưới đất khác nhau và thay đổi từ 193.000m3/ ngày đến 662.000m3/ngày, tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 2.180.000m3/ngày đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm.

Phần lớn chất lượng nước dưới đất tốt, các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ở khu vực UBND phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, nước dưới đất của các tầng đều bị nhiễm mặn (hàm lượng cl- >250mg/l). Chất lượng nước dưới đất các tầng chứa nước nằm sâu có chất lượng tốt hơn những tầng chứa nước nằm nông. Hàm lượng một số chỉ tiêu NO3-, NH4+ hay cl- có dấu hiệu gia tăng trong nước thuộc tầng nông, một số vị trí đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép, cụ thể như An Phú, Thuận Giao (TX.Thuận An), An Tây (TX. Bến Cát), KCN Sóng Thần (TX.Dĩ An).

Trong khi đó, tổng sản lượng các trạm cấp nước phục vụ cung cấp nước sạch, phục vụ cho tưới tiêu và phục vụ cho sản xuất công nghiệp đang được khai thác, sử dụng nước mặt khoảng 590.300m3/ngày đêm, tương đương 215 triệu m3/năm. Song song đó, hầu hết hộ gia đình và doanh nghiệp đều có giếng khoan khai thác, sử dụng nước dưới đất. Kết quả điều tra năm 2009, toàn tỉnh có khoảng 186.400 giếng khoan bao gồm giếng khoan hộ gia đình và giếng khoan của doanh nghiệp với tổng lượng nước khai thác là 361.600m3/ngày tương đương 132 triệum3/năm. Tổng lượng nước thải đang xả vào nguồn nước mặt khoảng 285.755m3/ ngày đêm, tương đương 129,4 triệu m3/năm.

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ Phòng TNN và Khoáng sản Sở TN&MT, cho biết chất lượng nguồn nước đang có nguy cơ ô nhiễm do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải và các chất thải khác từ hai bên lưu vực đổ vào. Nguồn nước dưới đất đang được khai thác với lưu lượng lớn và không đồng đều mà tập trung ở các huyện, thị phía Nam của tỉnh. Điều này đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất.

Tăng cường quản lý TNN

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động TNN, Bình Dương vừa ban hành các quy định về quản lý TNN trên địa bàn tỉnh; quy định về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía Nam của tỉnh; thực hiện thường xuyên và đa dạng công tác tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về TNN để các doanh nghiệp và người dân biết và thực hiện; điều tra cơ bản về TNN cũng như quan trắc động thái nước mặt, nước dưới đất ngày càng được hoàn thiện qua đó có cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quản lý TNN; điều tra, tuyên truyền động viên người dân cũng như các doanh nghiệp thường xuyên trám lấp giếng hư hỏng, thẩm định tham mưu cấp phép khai thác TNN, xả nước thải vào nguồn nước được tăng cường vì thế từ năm 2003 đến nay đã cấp được khoảng 1.500 giấy phép các loại…

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường cải cách thể chế thể hiện bằng việc nâng cao năng lực tham mưu ban hành các văn bản quản lý TNN; rà soát, lựa chọn những thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; đồng thời phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thực hiện; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch TNN; tham gia xây dựng và áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm điều hòa lưu lượng nước giữa các mùa, hạn chế tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô; tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép và hậu kiểm sau cấp phép khai thác sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng và triển khai các chính sách về thuế TNN theo hướng tăng mức thu thuế TNN để hạn chế tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan; xã hội hóa các mô hình cấp nước tập trung nhằm bảo đảm tăng tính cạnh tranh; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về TNN.

Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh khá phong phú. Với 4 sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính, mật độ sông suối khá dày từ 0,7km/km2 đến 0,9km/km2 khu vực thượng nguồn và giảm xuống còn 0,4km/km2 đến 0,5km/km2 khu vực hạ nguồn. Ngoài nguồn nước mặt từ các sông, suối, Bình Dương còn có một trữ lượng nước dồi dào từ các hồ chứa trên thượng nguồn của các sông. Tổng lượng nước mặt có thể khai thác từ các sông lớn và các hồ chứa khoảng 27,5 tỷ m3/ năm, trong đó, tổng lượng nước trên các sông khoảng 26,4 tỷ m3/năm và tổng lượng nước trên các hồ khoảng 1,1 tỷ m3/năm.

 

 H.A