Tăng cường quản lý nguồn thịt gia súc, gia cầm phục vụ tết
Lượng hàng thực phẩm từ thịt GS-GC tiêu thụ tết thường xuất phát từ 2 nguồn là nguồn hàng tươi sống của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cung cấp và nguồn hàng nhập vào từ các nước. Với nguồn thực phẩm tươi sống, thời gian qua lực lượng thú y tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán thịt GS-GC tại các chợ, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ và tình trạng buôn bán GC sống tại các tuyến đường. Điểm mới trong công tác quản lý tại các cơ sở giết mổ là quy trình kiểm tra được thực hiện khép kín hơn.
Lực lượng kiểm tra liên ngành kiểm tra việc bảo quản thực phẩm đông lạnh tại Công ty TNHH Swire Cold Storage Việt Nam (KCN Sóng Thần I)
Cụ thể, công tác kiểm tra được thực hiện từ trước khi các lò mổ hoạt động chứ không phải chờ đến lúc các lò mổ hoạt động mới kiểm tra. Quy trình kiểm tra này được thực hiện cho đến khi lượng thịt GS-GC được đưa ra bán tại các chợ. Song song đó, hiện nay việc vận chuyển GS-GC sống cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các cơ sở chăn nuôi GS-GC khi thực hiện vận chuyển cũng cần phải thông báo cho lực lượng thú ý địa chỉ của các điểm đến để quản lý chặt chẽ hơn. Chính việc thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ đã hạn chế hiệu quả hàng hóa kém chất lượng tung ra thị trường.
Đối với nguồn hàng nhập khẩu, hiện nay thường được bảo quản tại các kho lạnh trước khi xuất ra thị trường. Trên địa bàn Bình Dương có 9 kho lạnh, trong đó có 5 kho lạnh lớn và 4 kho lạnh nhỏ lưu trữ các sản phẩm như gà (cánh gà, chân gà), heo, bò đông lạnh. Dịp gần tết, lượng hàng nhập vào tại các kho lạnh cũng tăng cao vì vậy công tác kiểm tra để bảo đảm nguồn thịt GS-GC có chất lượng phục vụ tốt là rất quan trọng.
Để có thể quản lý tốt các nguồn thực phẩm này và tránh tình trạng các loại thịt quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng có thể tuồn ra thị trường dịp tết, Chi cục Thú y Bình Dương đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại các kho lạnh.
Theo ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành thông báo cho các kho lạnh trên địa bàn tỉnh là sau khi các lô hàng nhập vào các kho cần thông báo cho cơ quan thú y để tiến hành cắt niêm phong chì gấp và lưu lại hồ sơ gốc đã được Cơ quan Thú y vùng VI chấp thuận cho di lý về Bình Dương. Chúng tôi cũng đã thông báo cho các kho lạnh khi xuất hàng phải xuất nguyên kiện, không được lưu lại hàng đã được phân chia. Việc này sẽ rất khó kiểm tra với lực lượng thú y vì vậy chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm nếu các kho lạnh vi phạm”.
Cùng việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc kiểm tra nhiệt độ tại các kho lạnh để bảo đảm nguồn hàng được bảo quản tốt cũng rất được chú ý. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra liên ngành cũng rất chú ý đến lượng hàng tồn kho tại các kho lạnh. Với các doanh nghiệp có các lô hàng gần hết hạn sử dụng, lực lượng kiểm tra cũng thông báo để các doanh nghiệp này có các phương án xử lý.
Cũng theo ông Tạ Trọng Khang, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có thương hiệu cũng cần chú ý đến việc bảo vệ thương hiệu của mình để tránh tình trạng nguồn hàng không kiểm dịch, hàng giết mổ lậu đưa ra thị trường. Với các cơ sở kinh doanh thịt GS-GC khi thịt đã rã đông thì phải bán hết trong ngày chứ không được làm đông lại. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm lực lượng thú y sẽ tiến hành tịch thu, xử lý. Lãnh đạo Chi cục Thú y cũng khuyến cáo người tiêu dùng, để có được nguồn thực phẩm có chất lượng trong ngày tết nên đến mua tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng có uy tín và kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua nhằm tránh tình trạng mua phải thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và kém chất lượng.
ĐÀ BÌNH