Tăng cường quản lý bếp ăn bán trú trong trường học

Thứ sáu, ngày 04/03/2016

(BDO) Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều năm qua ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tổ chức việc dạy 2 buổi/ngày ở các cấp học. Đi kèm với đó là tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh (HS). Vì sức khỏe HS, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học được các ngành chức năng quan tâm quản lý và chỉ đạo.

Giờ ăn trưa của các cháu tại một trường mầm non ở TX.Dĩ An Ảnh: H.THÁI

Toàn tỉnh hiện có 100% trường học mầm non, 95 trường tiểu học, 14 trường THCS có tổ chức ăn bán trú. Dù ngành GD-ĐT chưa thành lập riêng Ban chỉ đạo ATVSTP, nhưng lãnh đạo sở là thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh, nên luôn xác định việc bảo đảm ATVSTP trong các trường học có tổ chức bán trú là nhiệm vụ quan trọng. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, từng thời điểm, sở chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, văn bản quy định pháp luật trong công tác này cho đội ngũ.

Ngành cũng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho các bậc cha mẹ, cộng đồng xã hội… đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên, định kỳ nhằm nắm bắt tình hình sử dụng thực phẩm, quy trình tổ chức thực hiện công tác bán trú và bảo đảm ATVSTP tại cơ sở giáo dục để phát hiện những mặt yếu kém, thiếu sót, kịp thời định hướng giải pháp, hỗ trợ bồi dưỡng, giúp các cơ sở giáo dục điều chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với các địa phương có những biện pháp cứng rắn để xử lý những cơ sở chưa chấp hành đúng các quy định chung có nguy cơ không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của HS.

Ngay từ nhỏ, nếu trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo thì sẽ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề ATVSTP cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, thế nên nhiều ngành cùng vào cuộc. Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, Chi cục ATTP đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP, qua đó bảo vệ sức khỏe cho HS tại các trường học. Theo ông Trần Minh Hoàng, Chi cục ATVSTP, từ năm 2010 ngành y tế và giáo dục đã phối hợp vận động ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, các trường học có tổ chức bữa ăn cho HS đã thành lập tổ tự quản ATTP.

Đến nay, 100% trường học có tổ chức bếp ăn tập thể đã thành lập tổ tự quản và đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả. 2 đơn vị còn phối hợp tổ chức nhiều khóa huấn luyện, bảo đảm 100% các tổ tự quản được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra ATTP. Hàng năm chi cục và ngành GD-ĐT tổ chức hội thảo nâng cao năng lực tổ chức bếp ăn tập thể và khuyến khích các trường học tổ chức bếp ăn tập thể theo hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Ngoài việc bảo đảm ATVSTP ở bếp ăn, vấn đề ATTP có ý nghĩa quan trọng hơn hết. Theo ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm ATTP từ nguyên liệu đầu vào; quy trình chế biến, bảo quản; yếu tố con người. Các trường cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào; kiểm soát quy trình chế biến, bảo quản. Đơn vị nên lựa chọn người có trình độ, sức khỏe… phụ trách nhà bếp. Đội ngũ này được tập huấn và cập nhật thường xuyên kiến thức ATTP, bảo đảm vệ sinh cá nhân trong quá trình chế biến.

Tuy ngành GD-ĐT và các ngành có liên quan đã nỗ lực quản lý, chỉ đạo công tác bán trú và ATVSTP trường học, nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, bất cập. Phần lớn các trường học chưa có đủ nhân viên y tế. Các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn thực phẩm từ nhà cung cấp. Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng không ổn định do mức lương thấp. Đối với cấp học giáo dục tiểu học không có biên chế cấp dưỡng nên việc tổ chức bán trú tại trường gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác bán trú và bảo đảm ATVSTP cho HS…

Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo ATTP tỉnh, đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho rằng, ngành GD-ĐT cần đầu tư hơn nữa cho các bếp ăn trường học về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, nấu nướng, ăn uống, bảo đảm thiết kế bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội phụ huynh HS trong việc giám sát ATTP tại các bếp ăn trường học. Các bếp ăn cần đầu tư và triển khai các xét nghiệm nhanh trong việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Tỉnh cần đầu tư kinh phí cho ngành y tế triển khai công tác nghiên cứu khoa học, đánh giá chất lượng dinh dưỡng, ATTP khẩu phần ăn tại các bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn trường mầm non - mẫu giáo…

 

 H.THÁi