Tăng cường phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

Thứ sáu, ngày 08/11/2024

(BDO) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Công văn 7057/BNN-TY về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên động vật và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Theo đó, để chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y 2015, các chương trình và kế hoạch quốc gia, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng những nội dung được quy định cụ thể tại Công văn 7057/BNN-TY năm 2024.

Cụ thể, các địa phương hàng năm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương; tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh của địa phương và khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt 2-2024 (trong tháng 9, 10-2024) đối với các bệnh cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên cơ sở đặc điểm dịch tễ tại từng địa phương; chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, trong phạm vi nhỏ lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, các địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các quy định về xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vắc-xin; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật…

PHƯƠNG ANH