Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng
Thời tiết miền Nam đang bước vào thời điểm chuyển mùa mưa nắng thất thường. Đợt nắng nóng gay gắt trong những ngày vừa qua đã làm ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già, khiến số người nhập viện tăng cao.
(BDO)
Khám bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: H.THỦY
Gia tăng các bệnh về hô hấp, tiêu hóa
Ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương tại phòng khám bệnh thuộc Khoa Nhiễm và Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và các phòng khám tư nhân ở TX.Thuận An, Dĩ An… các bác sĩ (BS) ở đây đều cho biết, có rất nhiều bệnh nhi đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp mỗi ngày. Vào thời điểm nắng nóng, trẻ dễ mắc bệnh là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Siêu vi là những loại vi rút gây bệnh như siêu vi hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, siêu vi gây bệnh tiêu chảy hoặc ói cấp tính. Ngoài ra, có nhiều loại siêu vi gây bệnh thành dịch như cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, dịch tiêu chảy...
Tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh, số ca bệnh về tiêu chảy cấp trong tháng 3, 4 này vào BVĐK tỉnh điều trị nội trú được thống kê khá cao: Bệnh tiêu chảy (99-112 ca), tay chân miệng (19-33 ca)… điều này chứng tỏ, số lượng bệnh nhi tăng lên khi thời tiết nóng cao độ. BS chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, hen phế quản, sốt siêu vi và tiêu chảy cấp vào điều trị khá đông, tuy nhiên không có ca nặng. Cũng vào khám và điều trị với số lượng tương tự nhưng các ca sốt xuất huyết lại có ca nặng, cần can thiệp chuyên môn sâu. “Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết không bùng phát theo mùa nhưng xuất hiện rải rác quanh năm, các phụ huynh cần phải cảnh giác để phòng bệnh cho trẻ”, BS Nguyệt lưu ý.
BS Nguyệt cho biết thêm, mặc dù dịch bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có hai nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết nắng nóng, đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguyên nhân chính là do mùa nắng nóng, trẻ hay nằm điều hòa, môi trường bên ngoài và môi trường trong phòng điều hòa có sự chênh lệch lớn khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, cần sử dụng máy lạnh, quạt máy ở chế độ hợp lý để không làm ảnh hưởng đến trẻ. Với tình trạng tiêu chảy, nôn nhiều ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý trong việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa các mầm bệnh. Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin như: Phế cầu, thủy đậu, tiêu chảy do rota vi rút… phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa đúng thời gian, đủ liều.
Người lớn cũng cần phải đề phòng
Tại Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh, BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, ở thời điểm này, nắng nóng cao độ cộng thêm có nhiều cơn mưa bất chợt khiến thời tiết nóng ẩm bất thường nên không những trẻ con mà cả người lớn cũng mắc một số bệnh như bệnh hô hấp, tiêu chảy, viêm da… Số ca bệnh nhập viện trong độ tuổi người lớn tuy không nhiều vì đa phần khi mắc bệnh họ đều tự mua thuốc uống và tự điều trị tại nhà, nhưng người dân cần biết cách chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo nắng nóng tiếp diễn trong những ngày tới, nếu người dân không phòng ngừa tốt rất có thể bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch là hoàn toàn có thể.
Để phòng tránh những bệnh khi thời tiết chuyển nóng, BS Tuấn khuyến cáo không chỉ trẻ em mà tất cả mọi người nên vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến. Ăn chín, uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm an toàn, hạn chế thức ăn đường phố để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, đường ruột. Mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất nhiều nước, vì thế cần tăng cường uống đủ nước để cấp nước cho cơ thể. Mỗi khi ra nắng phải đội mũ (nón) rộng vành để không bị say nắng, tránh ánh nắng trực tiếp gây viêm da, dị ứng da. Tiến hành diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở…
HUỲNH THỦY