Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
(BDO) Cùng với tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang gia tăng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mùa mưa vẫn còn kéo dài, dự báo tình hình bệnh SXH trong thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngành y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi để hạn chế nguồn lây bệnh SXH trong cộng đồng…
Không nên chủ quan
Cứ tưởng là sốt thông thường, nên sau khi bị bệnh, người nhà của anh Nguyễn N. ở TX.Thuận An chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho anh uống. Sau mấy ngày tự uống thuốc hạ sốt tại nhà, bệnh của anh N. không có dấu hiệu giảm mà còn nặng thêm. Người nhà đưa anh đi khám ở một phòng khám tư nhân gần nhà, chuyển nhập viện tại Trung tâm Y tế TX.Thuận An trong tình trạng sốc SXH. Do bệnh nặng, anh được cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốc SXH N5 nặng với các biến chứng nguy hiểm. Sau đó, anh tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh. Do bệnh SXH chuyển biến nặng không thể cải thiện nên gia đình xin đưa anh về nhà và anh N. đã tử vong. Đây là một trong 2 trường hợp tử vong do SXH được ghi nhận trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng điều trị tại Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh SXH được ghi nhận trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có dấu hiệu tiếp tục tăng, đặc biệt là từ đầu tháng 9 đến nay. Mặc dù SXH đang gia tăng và hiện đang trong thời kỳ cao điểm, nhưng tình trạng người dân chủ quan không phòng chống SXH vẫn còn. Theo chân đội phòng chống dịch tại địa bàn khu phố 7, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một vào chiều ngày 6-10, chúng tôi nhận thấy, không phải ai cũng chịu hợp tác khi có xe phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh SXH đến. Một số hộ dân buôn bán trên đường Phạm Ngũ Lão khi thấy xe phun thuốc đến đã vội vàng kéo cửa sắt lại, mặc dù phía trước xe phun thuốc là xe tuyên truyền đang ra rả nói về cách phòng bệnh SXH, không để lây lan trong cộng đồng như thế nào. Ở đây, ngành y tế phối hợp với địa phương phun thuốc dập dịch diện rộng nhưng do người dân đi làm chưa về nên nhiều nhà cửa vẫn im ỉm khóa. Nhiều người dù biết SXH do muỗi vằn truyền bệnh, biết cách phòng bệnh như thế nào nhưng vẫn còn thờ ơ, không quan tâm.
Tại một dãy nhà trọ ở tổ 97, khu phố 7 có khoảng 10 phòng trọ nhưng khi phun thuốc chỉ có 2 phòng mở cửa vì có người ở nhà. Chị Nguyễn Thị H., một người ở trọ tại đây, cho biết mấy ngày qua chị có nghe bạn bè nói bệnh SXH đang tăng, nhưng dãy trọ nơi gia đình chị ở chưa thấy ai mắc phải nên khi nằm ngủ chị vẫn không dùng mùng. Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua giám sát tình hình ca bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, đa số ca bệnh được ghi nhận ở đối tượng tạm trú, tại các khu nhà trọ ẩm thấp, điều kiện vệ sinh còn hạn chế.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH
TX.Thuận An là một trong những địa phương đứng đầu trong toàn tỉnh về tình hình SXH, 2 ca bệnh tử vong do SXH từ đầu năm đến nay cũng ở địa bàn TX.Thuận An. Bác sĩ Trần Tuấn Huy Cường, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TX.Thuận An, cho biết hiện tại tình hình SXH trên địa bàn thị xã đang tăng rất cao. Tính đến cuối tháng 9, toàn thị xã ghi nhận 1.674 ca SXH; riêng 4 tuần trong tháng 9 ghi nhận 301 ca, tăng cao hơn rất nhiều lần so với những tháng trước. Để chủ động phòng, chống SXH, ngành y tế đã phối hợp với địa phương thường xuyên giám sát, diệt lăng quăng, tổ chức phun thuốc dập dịch khi có ổ dịch trên địa bàn. Bác sĩ Cường nói: “Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là biện pháp hạ hỏa ca bệnh nhất thời thôi, quan trọng là diệt muỗi, diệt lăng quăng. “Không có lăng quăng, không có SXH”, vì thế người dân cần chủ động phòng, chống SXH bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi trong và quanh nhà, nơi mình sinh sống. Một tuần cố gắng đi quanh nhà, trong nhà xem những vật dụng nào chứa nước có lăng quăng thì loại bỏ đi, thay nước bình hoa thường xuyên để lăng quăng không có điều kiện sống...”.
Trở lại phường Bình Hòa, nơi có ca bệnh tử vong vì SXH vào cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi ghi nhận, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn được ngành y tế và địa phương quan tâm. Y sĩ Võ Minh Kha, phụ trách chương trình phòng, chống SXH Phòng khám đa khoa phường Bình Hòa, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn phường ghi nhận 148 ca SXH, riêng tháng 9 có 22 ca. Được sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế thị xã, lãnh đạo địa phương, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn phường luôn được quan tâm thực hiện. Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để nước tù đọng… được thực hiện thường xuyên. Hàng tuần, Đài Phát thanh phường còn tổ chức tuyên truyền 2 - 3 lần về cách phòng bệnh để người dân biết, tự phòng bệnh cho mình và gia đình… “Đặc biệt, sau khi có ca bệnh tử vong trên địa bàn, chúng tôi đã xuống ngay địa bàn xác minh chính xác, khoanh vùng ổ dịch và ngay ngày hôm sau đã tổ chức phun thuốc dập dịch. Chúng tôi còn phối hợp với tổ trưởng khu phố, cộng tác viên y tế, chủ nhà trọ tuyên truyền cho người dân về cách phòng bệnh SXH, thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Nhìn chung, sau khi có ca bệnh tử vong, người dân lo sợ nên có ý thức hơn trong công tác phòng bệnh. Đến nay, khu vực gần nơi có ca tử vong không ghi nhận thêm trường hợp SXH …”, y sĩ Kha cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết trung bình một ngày tại khoa có 40 - 50 bệnh nhân điều trị SXH, tăng 4 - 5 lần so với bình thường. Phòng hồi sức nhi mỗi ngày có từ 4 - 5 ca cấp cứu do bệnh biến chứng nặng, như: Sốc SXH, tổn thương gan nặng... Mùa mưa, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sản sinh, phát triển gây bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh môi trường là cần thiết để phòng chống dịch bệnh SXH.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyến cáo: “SXH do muỗi vằn chứa mầm bệnh đốt, truyền bệnh từ người này sang người khác. Do đó, cần hạn chế bị muỗi đốt bằng cách vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng thường xuyên. Người dân chú ý, khi bị sốt từ 2 - 3 ngày liên tục không hết, cần đi khám bác sĩ để được dặn dò, nhập viện điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gây ra cho người mắc do SXH chuyển biến nặng…”.
CẨM LÝ