Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn
(BDO) Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia liên tiếp xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Để khắc phục tình trạng này, ngành chức năng tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền gắn với quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn…
Vẫn còn nhiều vi phạm
Thực tế cho thấy tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này không những gây ảnh hưởng đến bản thân người điều khiển mà ảnh hưởng đến những người xung quanh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong quý I-2019, toàn quốc xảy ra hơn 4.000 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Riêng tại Bình Dương xảy ra 370 vụ TNGT, làm chết 72 người, bị thương 389 người. Trong đó, nhiều vụ TNGT ở các địa phương có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, hay nói cách khác là vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Các xe ô tô đang được đưa vào vị trí cần thiết để tiến hành đo nồng độ cồn tại chốt kiểm tra do lực lượng CSGT tỉnh lập trên đại lộ Bình Dương
Qua quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm liên quan đến hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, số ca vi phạm tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm có lực lượng công nhân đông, như: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An…
Chỉ tính riêng tại TX.Dĩ An, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT đã xử lý gần 200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong khi đó, trong 3 tháng đầu năm 2019, TP.Thủ Dầu Một đã xử lý hơn 60 trường hợp. Thực tế này cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham giao thông chưa nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hạn chế về kiến thức pháp luật dẫn đến các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có vi phạm về nông độ cồn.
“Đã uống rượu, bia - Không lái xe”
Trước tình hình trên, ngày 24- 5-2019, Ban ATGT tỉnh đã phát động tuyên truyền, vận động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” nhằm chấn chỉnh, giảm thiểu các lỗi vi phạm và TNGT liên quan đến vi phạm về nồng độ cồn.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, cho biết trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, TNGT nhìn chung vẫn còn nhiều và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là những vụ TNGT liên quan đến vi phạm quy định về nồng độ cồn. Vì vậy, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng các cấp, các ngành phát động phong trào “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Với đối tượng tuyên truyền chung là các tầng lớp nhân dân, trong đó đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên, công nhân, sinh viên, học sinh, các chủ doanh nghiệp vận tải... đặc biệt là những đối tượng hành nghề điều khiển các loại phương tiện…
Hưởng ứng tích cực phong trào, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm kéo giảm các tiêu chí về TNGT, trong đó đặc biệt tập trung vào các lỗi có liên quan đến vi phạm về nồng độ cồn.
“Hưởng ứng cuộc phát động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” của Ban ATGT tỉnh và thực hiện Kế hoạch số 139 của Bộ Công an về xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy, lực lượng chức năng tỉnh sẽ phối hợp cùng các lực lượng địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát đồng thời tổ chức thực hiện chốt chặn, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về quy định nồng độ cồn…”, thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.
Hiện nay, lực lượng CSGT tại các huyện, thị, thành phố đang đồng loạt tổ chức tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Thời điểm kiểm tra tập trung vào các giờ trưa và chiều tối của mỗi ngày; giờ có nhiều người tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Có thể nói, việc Ban ATGT tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện giải pháp để xử lý các vi phạm về nồng độ cồn đang phát huy nhiều hiệu quả. Việc tập trung xử lý nghiêm vi phạm là biện pháp tốt góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, qua đó góp phần kéo giảm TNGT có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
BÌNH MINH