Tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thứ tư, ngày 29/06/2016

(BDO) Theo Chi cục Thú y tỉnh, tháng 7 tới, chi cục cùng các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra trên diện rộng tại 9 huyện, thị, thành ph ố trong tỉnh đối với việc sử dụng chất vàng ô (Auramine O) nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Không vì cái lợi trước mắt

Thời gian qua, tại Bình Dương, chất vàng ô (một hóa chất nhập từ nước ngoài về, được sử dụng phổ biến trong nhuộm vải sợi và xây dựng, không được dùng trong thực phẩm) được phát hiện chủ yếu trên măng tươi, gà thịt… Chỉ cần một lượng nhỏ vàng ô, các cơ sở sản xuất đã có thể “phù phép” biến măng kém chất lượng thành măng tươi, giòn, màu vàng sẫm để qua mắt người tiêu dùng.


Trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Quang Minh, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng
(Ảnh minh họa). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, một số hộ chăn nuôi trong tỉnh đang ngộ nhận nếu trộn chất vàng ô vào trong thức ăn gia cầm sẽ cho ra thịt màu vàng tươi dễ hấp dẫn người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, chất vàng ô có tác dụng làm cho chân gà, thịt gà trở nên vàng tươi, hấp dẫn hơn nhưng không làm tăng chất lượng thịt gà. Bên cạnh đó, việc trộn vàng ô vào thức ăn chăn nuôi sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 4 - 5%. Ngoài ra, chất vàng ô còn gây tác hại lớn trên vật nuôi và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Cường, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng chất vàng ô. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh kiểm tra trên diện rộng nhằm bảo đảm chất lượng cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà, qua đó góp phần nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi...

Mạnh tay xử lý vi phạm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 440 trại chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 457.000 con. Đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn tỉnh có gần 3.160 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 94.000 con. Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mặc dù được ngành chức năng tăng cường quản lý nhưng do đặc thù là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, thành nên Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức để bảo vệ ngành chăn nuôi. Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi một phần do giá heo tăng cao đã tác động đến tư tưởng hám lợi của không ít người chăn nuôi. Bên cạnh đó, áp lực của thương lái ép người chăn nuôi sử dụng chất cấm để heo thịt có ngoại hình đẹp, nhiều nạc, màu sắc thịt nạc đẹp và mua heo hơi với giá cao. Nay lại thêm nguy cơ từ chất vàng ô gây hại trên thịt gà càng làm cho môi trường chăn nuôi của tỉnh thêm khó khăn. Trong khi đó, không ít người tiêu dùng tự gây hại cho bản thân mình chỉ vì những thói quen hết sức vô lý và phản khoa học như ưa lựa chọn miếng thịt heo nhiều nạc, thịt gà, măng tươi...

Dự kiến, vào ngày vào đầu tháng 7 tới, công tác kiểm tra việc sử dụng chất vàng ô tại các hộ chăn nuôi sẽ được Chi cục Thú y và các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Ông Cường cho biết, ngày 1-7 tới, quy định các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự có hiệu lực chính là biện pháp xử lý mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với các trường hợp gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.

 PHÙNG HIẾU