Tăng cường kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi

Thứ hai, ngày 12/06/2023

(BDO) Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng cường kiểm soát kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”. Hội thảo nhằm xây dựng kế hoạch góp phần giảm các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

 Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng

 Báo động lạm dụng kháng sinh

Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cho thấy thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm ở Việt Nam, đây là vấn đề đáng lo ngại.

Thuốc kháng sinh có thể giết chết hoặc làm ức chế sự phát triển của vi sinh vật, như: Vi khuẩn, nấm hoặc động vật nguyên sinh. Kháng sinh là công cụ hữu hiệu để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc kháng sinh đã bị cản trở bởi các cơ chế kháng thuốc giữa các chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ người, động vật, thực phẩm và môi trường. Việc nhiễm khuẩn kháng thuốc có thể khiến điều trị bệnh thất bại, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí có thể tử vong.

Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng cường kiểm soát kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” trên địa bàn tỉnh. Hội thảo nhằm xây dựng kế hoạch góp phần giảm các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ đối với việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho công ty, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn, tìm ra các giải pháp thay thế để duy trì sức khỏe và năng suất chăn nuôi, tạo ra sản phẩm nông sản tốt, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất trong quá trình sản xuất bằng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hướng tới chăn nuôi an toàn

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 900 cơ sở chăn nuôi trang trại, 32.861 hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu bò trên 21.000 con, tổng đàn heo trên 972.000 con và tổng đàn gia cầm trên 12,7 triệu con. Trong đó, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh. Ở lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có 138 hộ nuôi trồng với tổng diện tích ước đạt 322,9 ha, sản lượng ước đạt 3.682,8 tấn.

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, với tổng đàn chăn nuôi lớn, công tác quản lý còn ít nhiều khó khăn, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh tuy không nhiều nhưng nguy cơ lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vẫn đáng lo ngại. Mặc dù công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát được chi cục thực hiện hàng năm nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Thực tế, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản thật sự là vấn đề đáng lo ngại.

“Mặc dù hiện tại sản phẩm hữu cơ trên toàn quốc nói chung, Bình Dương nói riêng đa phần chỉ có lĩnh vực trồng trọt nhưng tôi tin tưởng rằng ở một tương lai không xa tỉnh Bình Dương sẽ có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Phát triển chăn nuôi hữu cơ sẽ là hướng đi chiến lược cho ngành chăn nuôi nhằm bảo đảm an ninh thực phẩm có nguồn gốc động vật, hướng tới một nền chăn nuôi an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường”, ông Trần Phú Cường cho biết thêm.

Trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Mặt khác, chi cục chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản; lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành…; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

 Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho động vật, thủy sản theo đúng hướng dẫn; tuân thủ nghiêm việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh; không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời đẩy mạnh giám sát dịch bệnh thủy sản tại cơ sở. Ngành sẽ hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt vào giai đoạn giao mùa, tuân thủ lịch mùa vụ và quy trình nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC