Tăng cường kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường

Thứ hai, ngày 01/08/2022

(BDO) Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Cục QLTT đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn.

 

Lực lượng quản lý thị trường cùng ngành chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Quang Vinh 3, TX.Tân Uyên

 Vẫn còn nhiều vi phạm

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trên thị trường, tuy nhiên một số đối tượng vẫn tìm cách trà trộn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hàng giả ra thị trường, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Đội trưởng Đội QLTT số 1, cho biết bám sát kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra và giám sát ATTP trong năm 2022, gần đây Đội QLTT số 1 đã tiến hành test nhanh tại 6 chợ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Kết quả, trong 182 mẫu test nhanh có 11 mẫu dương tính. Đơn vị đã tuyên truyền, yêu cầu người vi phạm tự nguyện tiêu hủy các sản phẩm có chất cấm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Linh, Đội trưởng Đội QLTT số 3, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài việc tập trung kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nhiệm vụ chuyên môn, đội còn tham gia đoàn kiểm tra ATTP tại các chợ trên địa bàn TX.Bến Cát. Qua kiểm tra 87 vụ, đội đã phát hiện và xử lý 12 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm 59 triệu đồng. “Nhờ có sự kiểm tra thường xuyên, liên tục, ngành chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bày bán thực phẩm mất ATTP, gây hại cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Linh nói.

Không chỉ 2 đơn vị nêu trên, các đội QLTT phụ trách địa bàn đều thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, nổi cộm là vụ nghi vấn hàng giả 840kg đường đen hiệu Dark Brown Sugar, loại 1kg/gói thông tin trên nhãn sản phẩm ghi sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tuấn Cường Phát, với tổng trị giá hàng hóa trên 25 triệu đồng. Hiện vụ việc đã được chuyển đến Công an TP.Thuận An thụ lý theo quy định.

Theo thống kê của Cục QLTT tỉnh, trong đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chuyên đề “Tháng hành động vì ATTP” vừa qua, Cục QLTT Bình Dương đã tiến hành kiểm tra 7 vụ, phát hiện 5 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, nhãn hàng hóa, không niêm yết giá, sử dụng chất cấm. Trong số này, chiếm phần lớn là nhóm thực phẩm khô, bánh các loại, lẩu ăn liền, rượu, sữa trẻ em. Ngoài ra, nằm trong nhóm vi phạm còn có các loại bún tươi, bánh canh, mì sợi vàng, hoành thánh, chả các loại, nước ngâm chua rau củ... Việc phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra cho thấy tình trạng vi phạm về ATTP vẫn còn diễn ra.

Vì thị trường thực phẩm an toàn

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết Bình Dương có nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, cùng với đó là hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước tình hình vi phạm ATTP diễn ra, Cục QLTT Bình Dương đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, theo dõi diễn biến tình hình thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; đồng thời, tích cực tuyên truyền, bảo đảm ATTP. Theo đó, lực lượng QLTT tổchức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức. Cụ thể, trong các buổi kiểm tra, lực lượng QLTT tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các nội dung phù hợp đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm, ngoài việc tham gia đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đội QLTT trực thuộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phát tờ rơi cho 699 cơ sở và ký cam kết 573 cơ sở đang hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi với nội dung thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cam kết không đầu cơ, găm hàng, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm ATTP. Từ thực tế kiểm tra cho thấy các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt các quy định về đăng ký kinh doanh, ATTP. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật chưa nghiêm, vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa quá hạn sử dụng, không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Xác định ATTP là vấn đề thường xuyên được người dân và xã hội quan tâm, thời gian tới, Cục QLTT Bình Dương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, kiểm tra thực tế theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện vi phạm. Mặt khác, các đội QLTT chú trọng tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP.

 Người tiêu dùng cần chủ động cung cấp thông tin để cơ quan QLTT kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, bảo đảm chất lượng; nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, chữ in không sắc nét để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 THANH HỒNG