Tăng cường kết nối khoa học - công nghệ qua phần mềm chia sẻ dữ liệu
(BDO) Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa phối hợp với các Sở KHCN vùng Đông Nam bộ triển khai phần mềm “Chia sẻ thông tin, quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ” (gọi tắt là phần mềm quản lý KHCN). Các chuyên gia đánh giá, đây được xem là bước tiến mới trong việc tạo liên kết vùng trong quản lý KHCN và từng bước điện tử hóa trong hoạt động KHCN.
Tạo liên kết vùng
Phần mềm quản lý KHCN được xây dựng trên tinh thần Thông tư 12/2014/TT-BKHCN của Bộ KHCN về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KHCN. Sở KHCN tỉnh Bình Dương là đơn vị chính trong vận hành phần mềm.
Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KHCN, cho biết thông qua cơ sở dữ liệu được quản lý trên hệ thống phần mềm quản lý KHCN, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ có thể chia sẻ hoạt động thông tin KHCN kịp thời, nâng cao năng lực quản lý các hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề KHCN đặt ra cho vùng Đông Nam bộ, nhất là trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân viên Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN, Sở KHCN tỉnh Bình Dương đang cập nhật dữ liệu đề tài nghiên cứu KHCN đã được nghiệm thu.
Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, hiện nay Sở KHCN các tỉnh, thành đều thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; trong quá trình thực hiện đều có xét chọn, tuyển chọn, nghiệm thu đề tài. Thông qua việc chia sẻ này, Sở KHCN các địa phương sẽ tránh tình trạng một đề tài nhiều tỉnh, thành triển khai và hạn chế việc đề xuất các đề tài, nhiệm vụ KHCN đã hoặc đang được triển khai.
Ghi nhận cho thấy, điểm mới của phần mềm quản lý KHCN theo đánh giá của Bộ KHCN là giúp các Sở KHCN vùng Đông Nam bộ dùng chung một phần mềm trong việc quản lý KHCN và tạo được sự phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến KHCN.
Xây dựng dữ liệu ngành
Phần mềm quản lý các địa phương sử dụng trước đây chỉ cập nhật thông tin mang tính nội bộ thì phần mềm quản lý KHCN, bên cạnh việc cập nhật cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thì còn lưu trữ dữ liệu về các nhà khoa học, các chuyên gia, các luận văn - luận án sau đại học, thông tin về thẩm định nhiệm vụ, về thành tựu KHCN, về tin, bài trên bản tin, tạp chí KHCN… Nếu các Sở KHCN trong vùng có sự thỏa thuận chia sẻ dữ liệu sẽ được hiển thị công khai để các sở có điều kiện tham khảo đề tài, lựa chọn chủ đề tài… phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tuy vậy lãnh đạo các Sở KHCN cho rằng trong thời gian đầu triển khai phần mềm quản lý KHCN sẽ còn một số khó khăn. Chẳng hạn, để tạo đa dạng và tăng dung lượng dữ liệu thì các đơn vị cần phải cập nhật các nhiệm vụ nghiên cứu ít nhất 3 - 4 năm trở lại đây. Ông Cường đề nghị, trước mắt việc cập nhật dữ liệu nên tập trung vào cập nhật, chia sẻ dữ liệu nhiệm vụ KHCN và báo cáo hoạt động KHCN theo từng tháng, quý, năm của từng tỉnh, thành.
Bà Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý thông tin, thống kê KHCN, Cục Thông tin KHCN Quốc gia (Bộ KHCN), cho biết trong thời gian đầu triển khai phần mềm, các Sở KHCN sẽ được cấp kinh phí trong việc đầu tư thiết bị, nhân lực để cập nhật cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, một số dữ liệu do cục quản lý sẽ được tích hợp, cập nhật vào hệ thống phần mềm như tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…
“Ngoài ra, đối với các phần mềm quản lý các tỉnh, thành đang sử dụng sẽ có cơ chế chuyển đổi để tương thích với phần mềm quản lý KHCN và sẽ có quy định nâng cấp phần mềm để phù hợp với tình hình thực tiễn và công nghệ hiện tại”, ông Phạm Xuân Đà cho biết thêm.
Phần mềm chia sẻ thông tin, quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ được Sở KHCN tỉnh Bình Dương xây dựng và chuyển giao cho Cục công tác phía Nam, Bộ KHCN để dùng chung cho các Sở KHCN vùng Đông Nam bộ. Sau khi chuyển giao, Sở KHCN sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt vận hành phần mềm, Cục công tác phía Nam chịu trách nhiệm về mặt nội dung.
HOÀNG PHẠM