Tăng cường hợp tác, chuyển đổi mô hình sản xuất
(BDO) Đổi mới mô hình sản xuất công nghiệp là xu thế tất yếu của doanh nghiệp (DN). Bình Dương đang nỗ lực hợp tác, đề xuất nhiều phương án cải tạo, phát triển sản xuất để hỗ trợ các DN đổi mới, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh theo hướng giá trị cao, bền vững.
Hướng đi tất yếu
Ông Jeong Joon Kyu, Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình khó khăn và bất ổn chung của thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với 3 vấn đề lớn là tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số. Điều này đã tạo ra nhiều yếu tố thách thức cho nền kinh tế nói chung. Để cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong tương lai, hai quốc gia cần có các định hướng chiến lược. Ông đề xuất Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương cần hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN sản xuất, chế tạo nâng cao trình độ công nghệ, phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu mới. Bản thân các DN cũng phải nâng cao trình độ công nghệ của mình.
Trước sự phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, ông Jeong Joon Kyu đề xuất Bình Dương cần tạo điều kiện để tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng. “Hiện rất nhiều DN Hàn Quốc đã đầu tư và tham gia vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam theo xu hướng giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, với xu thế tái cơ cấu chuỗi cung ứng, thời gian tới, các DN tại Việt Nam trong đó có các DN Hàn Quốc tại Bình Dương cần chuyển sang cơ cấu phát triển công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho quá trình sản xuất tạo ra thành phẩm mà không phụ thuộc vào việc nhập khẩu”, ông Jeong Joon Kyu đề xuất.
Tăng cường hợp tác sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Trong ảnh: Khai mạc Triển lãm trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Hàn Quốc vừa được tổ chức ở Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, Bình Dương triển khai rất tốt các chính sách ưu đãi ngành công nghệ cao, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch các vùng kinh tế. Đặc biệt, địa phương đã chú trọng công tác phát triển cơ sở hạ tầng, chính quyền lắng nghe, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Minh chứng cụ thể là thời gian gần đây, Bình Dương ngày càng thu hút được nhiều DN đến đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia với vốn đầu tư rất lớn.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Bình Dương đang phát huy vai trò dẫn dắt, cùng với Tổng Công ty Becamex IDC thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp xanh, phát triển thương mại - dịch vụ, tập trung đào tạo chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, tỉnh tạo điều kiện để DN cải tạo quy trình sản xuất theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn. Các định hướng này đã đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình Chính phủ để phê duyệt trong thời gian sắp tới”. |
Cụ thể, Bình Dương đã thu hút được 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài lớn, công nghệ cao là Nhà máy sản xuất đồ chơi của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) quy mô lên tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ và Dự án của hãng trang sức hàng đầu thế giới Pandora (Đan Mạch) với vốn đầu tư 150 triệu đô la Mỹ. Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, tái cơ cấu trong thời gian tới theo xu thế chung. Trong thời gian tới tỉnh cần hỗ trợ DN tái cơ cấu sản xuất gắn với ứng dụng số hóa và phát triển xanh, bền vững.
Nỗ lực thực hiện
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, để đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư, Bình Dương đã và đang đặt mình trong tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, Bình Dương đã và đang chuyển mình với nhiều dự án thúc đẩy phát triển đẩy sản xuất từ chính nội tại của DN.
Ông Jang Jin Han, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina, KCN Mỹ Phước 2, cho biết sau gần 20 năm sản xuất, công ty muốn nâng cấp nhà máy theo hướng hiện đại. “Chúng tôi hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) để cải tiến sản xuất. Mục tiêu chính là thiết kế xây dựng nhà máy chuyển đổi trở thành nhà máy thông minh theo mô hình ISA-95, kết hợp ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Jang Jin Han nói.
Trao đổi với chúng tôi về việc hợp tác, hỗ trợ DN để tái cơ cấu, đổi mới mô hình sản xuất, TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc công nghệ thông tin, Tổng Công ty Becamex IDC cho biết tái cơ cấu mô hình sản xuất đòi hỏi cách tiếp cận bài bản, đồng bộ với tư duy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giải quyết triệt để mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa với hệ sinh thái tự nhiên. “Có thể có nhiều cách tiếp cận, nhưng với kinh nghiệm của Becamex IDC, chúng tôi không bắt đầu bằng việc lựa chọn công nghệ nào, công nghệ thời thượng, mà sẽ bắt đầu từ việc phân tích mô hình kinh doanh hiện hữu của chính DN mình. Mỗi DN sẽ có mô hình kinh doanh khác nhau, phân khúc khách hàng và lịch sử phát triển, tiền đề cho việc hình thành các văn hóa DN khác nhau”.
Tại triển lãm sản phẩm tiêu biểu Hàn Quốc - Việt Nam vừa diễn ra, các DN Hàn Quốc trưng bày, giới thiệu những sản phẩm công nghệ cao. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan một gian hàng tại triển lãm. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo TS. Phạm Tuấn Anh, “Cần hỗ trợ DN dựa trên “quy trình mở”, không có mẫu số chung nào cho DN. Nếu một DN sản xuất chỉ tập trung vào việc cố gắng ứng dụng những công nghệ thời thượng như IIoT, AI, Big Data, nhà máy thông minh… mà bỏ qua quá trình đánh giá về nguồn lực số của mình, đánh giá và chuẩn hóa về quy trình, quy chuẩn của của mình, thì việc ứng dụng công nghệ một cách cưỡng ép đôi khi tạo ra tác dụng ngược.
“Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đề xuất các DN nên đi vào trực diện, bắt đầu từ công tác quản lý và vận hành sản xuất, tinh gọn, xác định rõ những tồn tại của dây chuyền sản xuất, qua đó hình thành được danh sách các mục tiêu cụ thể cần đạt được để cải tiến quá trình sản xuất tại nhà máy. Từ đó mới lựa chọn, xác định các giải pháp công nghệ tự động hóa tối đa để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đồng thời có thể đánh giá được hiệu quả đầu tư ngay từ quá trình lên kế hoạch các giải pháp”, TS. Phạm Tuấn Anh kiến nghị giải pháp cụ thể cho các DN.
TIỂU MY