Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo cho người lao động
(BDO) Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X sáng qua (9- 12), các đại biểu đã tập trung phát biểu ý kiến tham luận liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); đặc biệt là việc tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Đại biểu phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Tiếp sức cho DN vượt khó
Ý kiến chung của các đại biểu cho rằng, trong những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, UBND tỉnh đã tích cực, năng động, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý. Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Trung ương trong công tác phục hồi và phát triển KT-XH; đồng thời phát huy tinh thần tiên phong, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, mạnh mẽ đổi mới của các cấp, các ngành và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân. Do đó, tình hình KT-XH của tỉnh trong năm 2022 tăng trưởng khá.
Đại biểu Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho rằng do các yếu tố bất ổn về kinh tế thế giới vẫn còn nên theo các chuyên gia dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2023 tiếp tục chậm lại. Do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 8,5 - 8,7%, chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước 74.617 tỷ đồng là một thách thức lớn với tỉnh trong năm 2023. Đại biểu Trần Thành Trọng kiến nghị giải pháp tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN. Do đó, phải xác định nhiệm vụ đồng hành, giải quyết khó khăn, hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, đúng pháp luật là trách nhiệm của chính quyền, của từng cán bộ công chức, viên chức và phải quán triệt tinh thần này đến từng sở, ngành, địa phương, nhất là đến từng con người đang thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra DN phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, cần chú trọng cho DN nhận rõ vi phạm và có lộ trình khắc phục vi phạm, không áp dụng biện pháp xử phạt đối với những vi phạm lần đầu, vi phạm không nghiêm trọng. Đồng thời, tỉnh cũng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lãi suất cho vay hợp lý, tiếp tục có chính sách giãn nợ cho DN trong 6 tháng đầu năm 2023 như đã áp dụng hiệu quả trong năm 2022 nhằm giúp các DN giảm áp lực trả nợ khi dòng tiền xuất khẩu, bán hàng bị chậm lại; nghiên cứu xây dựng gói cho vay trả lương với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các DN.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Trần Phi Long, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương, cho rằng trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn chung của thế giới khiến các DN vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn về hoạt động SXKD do lượng hàng tồn kho tăng, thiếu đơn hàng. Trong khi đó, tỷ lệ DN tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và dài hạn chiếm số lượng rất nhỏ. Việc hạn chế room tín dụng dẫn đến các DN càng khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn...
Đại biểu Huỳnh Trần Phi Long mong rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ DN từ phía chính quyền các cấp, hiện nay DN rất cần tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay trung và dài hạn từ các ngân hàng nhằm bảo đảm duy trì hoạt động SXKD ổn định và phát triển. Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng, trong tình hình khó khăn chung về hoạt động SXKD, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động việc thực hiện hiệu quả “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN Việt Nam dùng sản phẩm dịch vụ của DN Việt Nam... Đồng thời, Sở Công thương cần tăng cường hơn nữa các hội nghị kết nối cung cầu, triển lãm trong và ngoài tỉnh; triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại cho các DN. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai sớm và hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ theo các chính sách của Trung ương. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ kết nối các hiệp hội ngành hàng trong tỉnh với các DN chuẩn bị đầu tư vào Bình Dương để tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư tại địa phương...
Bảo đảm an sinh xã hội
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người nghèo và NLĐ gặp khó khăn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới cũng được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến. Theo đó, trước tình trạng công nhân bị giảm giờ làm, mất việc, làm ảnh hưởng đến thu nhập, cần chủ động có các biện pháp ổn định tình hình và tăng cường kết nối cung - cầu về lao động nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ ngừng việc, tranh chấp lao động, góp phần thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Đại biểu Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu các cấp Công đoàn phải chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các DN, số lượng NLĐ bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của DN, của đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2023... Các cấp Công đoàn trong tỉnh dồn lực chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho ĐVCĐ và NLĐ với tổng kinh phí ước tính hơn 300 tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, động viên, chúc tết ĐVCĐ, NLĐ với gần 83.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, tổng trị giá trên 41 tỷ đồng; tổ chức “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc về quê đón tết và quay trở lại Bình Dương làm việc sau tết với tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng...
LĐLĐ tỉnh cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ 46.500 suất quà tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho công nhân lao động xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
► Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sở đã tham mưu trình với UBND tỉnh về các chế độ chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, người có công, hộ nghèo, NLĐ hoàn cảnh khó khăn xa quê không về quê ăn tết... Trong đó, nhiều chế độ cho từng đối tượng được điều chỉnh tăng thêm, với tổng kinh phí chi dự kiến trên 120 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm trước. Song song đó, sở cũng đã tham mưu những giải pháp để hỗ trợ DN, NLĐ gặp khó khăn về việc làm, về sản xuất. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương tăng cường thông tin những DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm cho NLĐ có nhu cầu. ► Theo đại biểu Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, các cấp Công đoàn trong tỉnh tập trung chăm lo tết Quý Mão 2023 cho ĐVCĐ và NLĐ với tổng kinh phí ước tính hơn 300 tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, động viên, chúc tết ĐVCĐ, NLĐ với gần 83.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, tổng trị giá trên 41 tỷ đồng; tổ chức “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc về quê đón tết và quay trở lại Bình Dương làm việc sau tết với tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng... |
ĐỖ TRỌNG