Tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh phổ thông

Thứ tư, ngày 27/12/2017

(BDO) Diễn đàn về “Dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống HIV/AIDS” do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh vừa tổ chức đã thu hút 250 giáo viên và học sinh (HS) tham gia. Chương trình có sự tham gia của bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Truyền thông và can thiệp, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, HS tự do nêu lên những thắc mắc về dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên (DS-SKSS VTN) và HIV/AIDS. Ở nhà trường, các em đã được thầy cô trang bị những kiến thức trên, nhưng thật sự chưa đầy đủ. Thông qua chương trình này, các em được các bác sĩ cung cấp kiến thức tường tận, cặn kẽ hơn rất nhiều. Chính sự thân thiện, cởi mở của các bác sĩ, các em đã mạnh dạn đưa ra những câu hỏi tưởng chừng tế nhị, nhưng thực tế rất cần thiết đối với lứa tuổi VTN như các em. Những nữ sinh lớp 8 đã không ngần ngại hỏi các nhà tư vấn về độ tuổi có thai ở phụ nữ, hay hậu quả của nạo phá thai ở tuổi VTN. Ngoài cung cấp những thông tin cho các em, bác sĩ Thấm còn khuyên các HS nên xây dựng tình bạn trong sáng, chú tâm vào việc học tập. Khi các em đã trưởng thành, ở độ tuổi 23 - 25 tuổi, có công việc và thu nhập ổn định, đồng thời nhận thức và tâm sinh lý phát triển chín muồi thì có con là tốt nhất.


HS mạnh dạn đặt câu hỏi về DS-SKSS VTN tại diễn đàn

Theo các bác sĩ tư vấn, mỗi thời kỳ, nhận thức và tâm lý của HS có khác nhau. So với trước kia, ngày nay do môi trường sống, chế độ ăn uống, tuổi dậy thì của HS sớm hơn và các em cũng yêu sớm. Do đó, các em cần sớm được trang bị kiến thức về DS-SKSS và HIV/AIDS để bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Tại diễn đàn, có em đã hỏi nhà tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng tránh, hay làm thế nào để nhận biết bị nhiễm HIV. Rõ ràng, giúp các em hiểu tường tận vấn đề không thể cho là “vẽ đường cho hươu chạy”, mà giúp các em nhận thức rõ vấn đề và xây dựng lối sống lành mạnh. HS Nguyễn Thanh Hà, trường THCS Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) tâm sự, với cha mẹ hay thầy cô, các em khó bày tỏ những thắc mắc, do còn ngại ngùng, nhưng tại đây, em dễ dàng được chia sẻ, đặt những câu hỏi và nhận được câu trả lời mà trước đây em còn hiểu mù mờ.

Cô Trần Thị Hồng Vinh, giáo viên trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, trong chương trình, những bài học liên quan đến sinh sản, giáo viên đều lồng ghép tuyên truyền cho HS. Trong đó khái quát về tuổi dậy thì, tâm sinh lý tuổi dậy thì, quan hệ tình dục, các biện pháp tránh thai, hậu quả của phá thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, không phải lúc nào HS cũng bày tỏ tâm tư, tâm sự với giáo viên, mặt khác có một số gia đình ít có sự gần gũi, trao đổi với con em về vấn đề trên. Do đó, việc tổ chức diễn đàn là sự đổi mới hình thức truyền thông, chắc chắn kiến thức của HS được nâng lên, vì các em được trực tiếp trao đổi với những nhà tư vấn có đủ nghiệp vụ chuyên môn.

Ông Võ Nguyễn Ngọc An, chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng - Pháp chế Sở GD-ĐT cho biết, công tác giáo dục về DS-SKSS VTN, phòng chống HIV/AIDS trong trường học luôn được ngành chú trọng. Hàng năm, sở đều chỉ đạo các nhà trường thực hiện công tác này, đồng thời phối hợp với 2 đơn vị trên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS và giáo viên thông qua tập huấn chuyên đề, hội thi tìm hiểu. Thông qua diễn đàn lần này, sở nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của giáo viên trong việc triển khai công tác này tại trường...

“Với số lượng HS cấp II, III nhiều như hiện nay, chúng tôi không thể đến tất cả các trường tuyên truyền cho các em, do đó nhà trường lo cho HS là chính. Để tăng tính hiệu quả, giáo viên phải tự cập nhật thông tin, tự nâng cao kiến thức và có kế hoạch tuyên truyền cho HS thật hiệu quả. Qua đó, nâng cao được tính hiệu quả về tuyên truyền DS-SKSS VTN và phòng chống HIV/AIDS trong HS”.

(Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)

A.SÁNG