Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thứ tư, ngày 08/12/2010

Sau một thời gian tưởng chừng như yên ắng, thì thời gian gần đây bạo lực học đường lại xảy ra ở một số địa phương. Ngay trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra trường hợp học sinh (HS) bị bạn đánh hội đồng gây thương tích cơ thể và ảnh hưởng đến tinh thần. Chưa bao giờ nạn bạo lực học đường lại trở thành mối lo lắng cho xã hội nói chung, các bậc phụ huynh (PH) nói riêng như trong lúc này.

Không an tâm khi con cái ra khỏi trường học, nhiều PH dù bận trăm công ngàn việc vẫn phân công nhau đưa đón con đi học. Có HS nhà cách trường chỉ vài trăm mét vậy mà vẫn được cha mẹ đưa đón đi học mỗi ngày. PH lo lắng cũng phải, vì bọn xấu thường tụ tập gần cổng trường để bắt nạt, gây chuyện với HS hoặc hù dọa để xin tiền. Ngoài lý do này, mối lo lớn hơn là PH lo sợ con em bị đánh khi ra ngoài cổng trường. Chị Thanh Tuyền ở TX.TDM dù con đã lên lớp 10 vẫn ngày ngày đưa đón con đi học ở trường và học thêm. Chị bày tỏ “tốt nhất là đưa đón con đi học, vì con em bước ra khỏi cổng trường là có thể bị cám dỗ bởi nhiều thói hư như chơi game, la cà quán xá, tụ tập đánh nhau...”. Trâm Anh, HS lớp 7 một trường THCS nói “ngay trong trường học vẫn có một số HS hư thường tìm cách kiếm chuyện với các bạn, nếu bạn nào phản ứng lại, lập tức sẽ bị đánh khi ra khỏi cổng trường. Còn tụi em thấy bạn đánh không dám can thiệp vì sợ bị vạ lây”.

 

Tổ chức các trò chơi dân gian vừa tạo môi trường học tập thân thiện, đồng thời giáo dục KNS cho HS

Thế nhưng, việc PH quản lý con em bằng giờ giấc chỉ là biện pháp tình thế, điều căn cơ là giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho HS. Việc giáo dục KNS trong trường phổ thông được thực hiện trong môn học giáo dục công dân, trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm và các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa... Ở một số nơi, giáo dục KNS được kết hợp trong các chương trình giáo dục vệ sinh, dinh dưỡng và phòng bệnh hoặc nhằm vào giáo dục hành vi, cách cư xử... ngoài vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổ chức Đoàn - Đội trong trường học cũng có trách nhiệm giáo dục KNS cho HS. Cô Xuân Hồng, Tổng phụ trách Đội trường THCS Phú Cường (TX.TDM) cho biết, cùng với giáo dục KNS cho HS trong các hoạt động Đội, chúng tôi còn tuyên truyền, nhắc nhở HS không chơi game bạo lực, vì nạn bạo lực học đường một phần cũng xuất phát từ đây. Thêm nữa, trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các trò chơi dân gian, vận động HS hỗ trợ cho bạn nghèo bệnh tật. Qua các hoạt động này tạo cho HS sự đoàn kết gắn bó, biết thương yêu nhau, nhường nhịn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.

Trường trung tiểu học Việt Anh là một trong số những trường thực hiện giáo dục KNS một cách bài bản. Nhà trường có biên soạn giáo trình giảng dạy KNS, HS được học 3 tiết mỗi tuần. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức trò chơi, kịch nghệ hoặc hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục, nâng cao KNS cho HS. Ông Lê Văn Minh, Phó Hiệu trưởng trường trung tiểu học Đức Trí cũng cho biết, đầu năm học trường chú ý xây dựng nội quy kỷ luật cho HS học tập, đăng ký thi đua; xây dựng phong trào tự quản trong lớp. Trường cũng tăng cường đội ngũ làm công tác quản nhiệm, theo dõi mọi hoạt động của HS hàng ngày, qua đó theo dõi, uốn nắn những HS quậy phá. Đối với nội dung giáo dục KNS, tất nhiên trường nào cũng quan tâm, ngay cả giáo dục HS ở đức tính trung thực. Việc này trường thường xuyên củng cố, tổ chức sinh hoạt lại cho HS những nội dung đã học, có nhắc nhở chấn chỉnh.

Thời gian qua, đa số những trường hợp bạo lực học đường xảy ra ở các nơi có xuất phát từ những HS có “thành tích” nổi cộm. Những em này đến trường cốt để cha mẹ vui lòng, các em không quan tâm đến việc học, mà chỉ mong hết giờ học ra khỏi trường để quậy phá hoặc kiếm cớ đánh bạn. Việc giáo dục HS thuộc đối tượng này thật không dễ, làm đau đầu nhiều nhà quản lý giáo dục. Hiệu trưởng một trường tư thục than vãn, chúng tôi dụ dỗ các em là chính, nhưng nào đâu phải chuyện dễ làm; hay như nhà trường tập cho các em chơi những trò chơi mang tính tập thể để HS đoàn kết, thương yêu nhau thì cũng thật khó mà thực hiện được. Ông Lê Văn Minh còn nói “chủ trương của trường là giáo dục thân thiện, mềm dẻo giải quyết những trường hợp HS vi phạm, còn nếu HS tái phạm trường sẽ dùng biện pháp mạnh, thậm chí xem xét kỷ luật. Phải nói rằng, áp lực của trường tư trong việc giáo dục HS là rất lớn, có em bị trường khác đuổi vào đây xin học, nếu trường không nhận thì các em về đâu, thế nên trường quyết định nhận vào, sau đó sẽ uốn nắn dần, nhưng quả thật chúng tôi quá mệt mỏi với những HS này”.

Nếu như trường tư thục lo lắng vì HS hư, thì mối bận tâm của các trường công trong giáo dục KNS là một bộ phận giáo viên còn yếu về mảng này, nên việc giáo dục KNS cho HS ít nhiều bị hạn chế. Trước tình hình đó, mới đây Sở GD-ĐT có tổ chức tập huấn “giáo dục giá trị sống, KNS” cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân THCS. Qua đây, giáo viên nâng cao năng lực giáo dục KNS cho HS, giúp cho HS có thể sống tự tin, lành mạnh, phòng tránh các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần; các em có kỹ năng làm chủ bản thân, biết xử lý linh hoạt các tình huống giao tiếp hàng ngày, có kỹ năng tự bảo vệ mình; rèn luyện lối sống có trách nhiệm với bản thân, bạn bè, gia đình và cộng đồng...

H.THÁI