Tăng cường giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Thứ hai, ngày 14/05/2018

(BDO)  UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Trong đó, nhấn mạnh đến nhóm giải pháp từ chính quyền cơ sở.

 Nhìn từ thực tế

Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2017, tỉnh Bình Dương đạt 33,49/60 điểm (đạt 55,81%), xếp trong nhóm thấp điểm nhất, khoảng cách điểm giữa Bình Dương và địa phương có số điểm cao nhất là 6,04 điểm. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp Bình Dương xếp trong nhóm thấp điểm nhất. Tuy nhiên, so với kết quả Chỉ số PAPI năm 2016, Bình Dương có 4/6 chỉ số lĩnh vực tăng điểm nhẹ là: Công khai minh bạch (tăng 0,26 điểm, đạt 4,9%); trách nhiệm giải trình (tăng 0,6 điểm, đạt 13,5%); kiểm soát tham nhũng (tăng 0,68 điểm, đạt 15,7%); thủ tục hành chính (TTHC) công (tăng 0,02 điểm, đạt 0,28%).

Công khai, minh bạch tại cơ sở để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện Chỉ số PAPI

Chỉ số lĩnh vực tham gia của người dân cấp cơ sở đạt 4,33 điểm, giảm 0,14 điểm so với năm 2016. Chỉ số lĩnh vực này có 1 chỉ số nội dung thành phần tăng điểm là: Cơ hội tham gia của người dân, đạt 1,63/2,5 điểm (tăng 0,03 điểm) và 2 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm là: Tri thức công dân về bầu cử ấp/khu phố, đạt 0,70/2,5 điểm (giảm 0,11 điểm); đóng góp tự nguyện, đạt 0,73/2,5 điểm (giảm 0,06 điểm). Nhìn chung, người dân cho biết cơ hội tham gia bầu cử (các chức danh thuộc ấp/khu phố) của họ tại địa phương tốt hơn năm 2016. Tuy nhiên, hiểu biết của họ về những vị trí dân cử và trong cuộc bầu cử ấp/khu phố có từ hai ứng cử viên trở lên để lựa chọn chưa cao.

Chỉ số lĩnh vực công khai, minh bạch đạt 5,54 điểm, tăng 0,26 điểm so với năm 2016. Theo đánh giá của UBND tỉnh, cảm nhận của người dân về công khai thu/chi ngân sách cấp xã/phường và người dân được biết về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương tốt hơn năm 2016. Tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng trong bình xét hộ nghèo của địa phương còn nhiều hạn chế, như đối tượng bình xét, danh sách hộ nghèo chưa được công khai và cảm nhận của người dân về việc sửa đổi quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất ở địa phương đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của họ. Trong khi đó, chỉ số lĩnh vực trách nhiệm giải trình với người dân chỉ đạt 5,05 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh/thành.

Từ bảng phân tích của UBND tỉnh cho thấy, chỉ số lĩnh vực TTHC công: Đạt 6,97/10 điểm, tăng 0,02 điểm so với năm 2016 (lĩnh vực này xếp thứ 50/63 tỉnh/thành). Điểm trung bình toàn quốc của chỉ số lĩnh vực này là 7,16/10 điểm. Chỉ số lĩnh vực này có 1 chỉ số nội dung thành phần tăng điểm và 3 chỉ số nội dung giảm điểm hoặc bằng điểm năm 2016. Người dân đánh giá cao chất lượng TTHC cấp xã/phường (trong đó có các tiêu chí như: Phí được niêm yết công khai; công chức thạo việc; công chức có thái độ lịch sự; người dân nhận được kết quả như lịch hẹn). Ngược lại, cùng các tiêu chí như nhau, nhưng người dân đánh giá thấp đối với chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cho rằng phải đi lại nhiều lần để làm xong các TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tăng cường giải pháp

Từ những phân tích trên, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động của các cấp chính quyền, thực hiện đồng bộ trong triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và trong xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong việc phục vụ nhân dân.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia, phối hợp cùng Sở Nội vụ, các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó trọng tâm là những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nội dung nhân dân bàn và quyết định, nội dung nhân dân ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, nội dung người dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là phối hợp với đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, để góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là bộ phận một cửa cấp xã. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức từ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm; đẩy mạnh thực hiện cải cách công vụ công chức gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, trọng tâm là thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân.

Văn phòng UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách TTHC, trong đó tập trung chỉ đạo việc rà soát, cập nhật, công bố, công khai kịp thời các TTHC mới ban hành hoặc TTHC được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo rà soát các quy định hành chính, TTHC để kiến nghị đơn giản hóa các TTHC còn bất cập, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.

Sở Tư pháp thẩm định, góp ý, tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát có chất lượng, hiệu quả các cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp với quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý điều hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với việc phục vụquyền lợi chính đáng của nhân dân. Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, các cơ quan, đơn vị liên quan và chỉ đạo, định hướng đối với Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nội dung của Chỉ số PAPI; kịp thời đưa tin, bài phản ánh về kết quả triển khai thực hiện để nhân dân biết, giám sát và tích cực hưởng ứng thực hiện. UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện…

Cải thiện Chỉ số PAPI cấp tỉnh là một trong những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là cấp xã, liên quan đến trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cần được tiến hành đồng bộ, kiên trì, liên tục, lâu dài. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã phải tập trung triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại đơn vị, địa phương mình, gắn với cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới.

 UBND tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày; ý thức được quyền lợi và trách nhiệm đầy đủ của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở. Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân cóquyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân như: Các khoản đóng góp tựnguyện, xây mới, sửa chữa công trình công cộng...

 

SÔNG TRÀ