Tăng cường công tác tuyên truyền: Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động
(BDO) Thời gian qua, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong đối tượng công nhân, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho họ, tránh để bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…
Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi
Gần 14 giờ trưa 10-6, người dân ở xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên bất ngờ khi nghe nhạc hiệu của Đài Truyền thanh xã. Nội dung được phát đi là kêu gọi người lao động cần bình tĩnh trước các thông tin xấu, không để bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo làm chuyện phi pháp. Có thể nói đây là một trong những cách tuyên truyền hay, kịp thời của chính quyền địa phương.
Bảo vệ và Công an KCN VSIP tăng cường tuần tra giữ gìn an ninh trật tự Ảnh: NGUYỄN HẬU
Những ngày qua, một số địa bàn có nhiều nhà trọ, nhiều công nhân sống và làm việc, các cơ quan ban ngành ở địa phương đã đến tận các khu nhà trọ để tuyên truyền pháp luật đến người dân, vận động họ nâng cao tinh thần cảnh giác trước các “chiêu bài” của kẻ xấu. Một số người cho rằng, qua theo dõi các thông tin trên báo, đài, họ hiểu được sự việc, tuy nhiên có một số kẻ xấu đã lợi dụng tình hình để lôi kéo công nhân, nếu không tỉnh táo thì sẽ khiến họ làm chuyện phi pháp, nặng thì vướng vào vòng lao lý, nhẹ thì bị mất việc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các khu nhà trọ, các doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động luôn là vấn đề được các cơ quan ban ngành trong tỉnh chú trọng trong thời gian qua. Hiệu quả trước mắt đã thấy rõ khi số vụ việc đình, lãn công đã giảm đáng kể; người lao động được trang bị kiến thức pháp luật có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nâng cao “sức đề kháng” trước các hành vi vi phạm pháp luật, trước các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ… Để từ đó ngày càng nâng cao vị thế người lao động trong mắt bạn bè quốc tế.
Bình tĩnh trước thủ đoạn của kẻ xấu
Mới đây, qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã tiến hành khám xét tại nơi ở của đối tượng Trần Minh Huệ, (SN 1981, quê Thanh Hóa, thường trú tại KP.Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An), đối tượng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh BìnhDương ra quyết định tạm giữ để điều tra, xử lý về hành vi “Làm, phát tán tài liệu kêu gọi biểu tình” tại KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương vào ngày 7-6.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, Trần Minh Huệ thường xuyên sử dụng mạng Internet, tham gia mạng xã hội, qua đó tiếp xúc với những trang mạng có nội dung xấu, thông tin có tính chất bóp méo, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) nên dẫn đến hành động phạm pháp.
Trong hai ngày 6 và 7-6 năm 2018, Trần Minh Huệ tự biên soạn tài liệu bằng cách viết tay sau đó thuê dịch vụ đánh máy, photocopy với số lượng đến 3.000 tờ với nội dung kêu gọi người lao động bỏ công ăn việc làm để tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự (ANTT), rồi một mình đi xe máy phát tán số tờ rơi trên.
Đầu giờ chiều ngày 7-6, trong khi đang thực hiện hành vi phát tán tờ rơi tại đường số 5, KCN Sóng Thần 1, Huệ bị lực lượng bảo vệ khu công nghiệp bắt giữ giao cơ quan Công an xử lý. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cũng đã tiến hành khám xét tiệm photocopy nơi Huệ thuê đánh máy và in ấn tài liệu và đã thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm pháp của Trần Minh Huệ.
Đối tượng thứ hai tên Nguyễn Đình Thành (SN 1991, ngụ xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên, tạm trú tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) cũng vừa bị Công an TX.Thuận An bắt giữ chuyển giao Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh xử lý khi đang photocopy số tài liệu liên quan đến 3.300 tờ, khổ A4 bao gồm hình ảnh, bài viết sưu tầm trên mạng có nội dung kích động biểu tình liên quan đến Dự án Luật Đặc khu để chuẩn bị phát tán ra ngoài nhằm kích động nhân dân.
Được biết, Nguyễn Đình Thành từng bị xử lý theo pháp luật vì có hành vi phát tán tài liệu có nội dung xuyên tạc, phản động. Đối tượng Thành được xác định đã bị tiêm nhiễm các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu trên mạng internet trong khi nhận thức chính trị yếu kém nên dẫn đến hành động xâm phạm an ninh.
Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội cũng như nhiều kênh thông tin khác đã xuất hiện nhiều nội dung xấu kích động người lao động biểu tình phản đối nội dung quy định thời gian cho thuê đất của Dự án Luật Đặc khu nên dẫn đến hành động phạm pháp nhưng sâu xa hơn là muốn phá hoại sự ổn định ANTT, đời sống yên bình của nhân dân. Vì vậy, Công an tỉnh khuyến cáo mọi người dân bình tĩnh, không mất cảnh giác để bị kẻ xấu lợi dụng.
Hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm
Tính đến nay, nhiều DN trong tỉnh đã xây dựng thành công mô hình Đội Công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT. Để xử lý kịp thời tình hình ANTT trong DN, hạn chế mức độ thiệt hại và ngăn chặn hiệu ứng lây lan tội phạm, việc thành lập Đội CNXK tự quản về ANTT trong DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương là giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.
Điển hình như mô hình Đội CNXK tự quản về ANTT của Công ty Far Eastern, đây là một trong ba DN đầu tiên của TX.Thuận An tổ chức thành lập Đội CNXK tự quản về ANTT. Mô hình Đội CNXK tự quản về ANTT tại Công ty Far Eastern đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác bảo đảm ANTT tại DN, đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài. Với những thành tích đã đạt được, vừa qua tập thể Đội CNXK tự quản về ANTT tại Công ty Far Eastern đã vinh dự nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích dẫn đầu khối thi đua các DN nước ngoài trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Với mục tiêu huy động, sử dụng sức mạnh tổng hợp của người lao động, người quản lý trong DN tích cực tham gia phong trào xây dựng DN “An toàn về ANTT”,góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, Bình Dương sẽ tập trung vận động thành lập Đội CNXK tại 1.008 DN, bao gồm các tiêu chí như: DN có số lượng lao động từ 200 người trở lên; DN có số lao động dưới 200 người nhưng do yêu cầu bảo đảm ổn định hoạt động sản suất kinh doanh, tình hình ANTT mà chủ DN và địa phương quyết định thành lập với số lượng được lựa chọn căn cứ vào mục tiêu cụ thể đã nêu. Mỗi DN thành lập 1 Đội CNXK, tối thiểu có 10 đội viên, có từ 1 đến 2 Đội phó. Căn cứ vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, địa bàn trú đóng, số lượng công nhân… chủ DN quyết định số lượng đội viên Đội CNXK phù hợp.
Vào năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của Đội CNXK tự quản về ANTT trong DN trên địa bàn tỉnh. Bước đầu hoạt động của các Đội CNXK đã giúp cho các lực lượng chức năng nắm được tình hình, xử lý nhiều vụ việc và đối tượng có liên quan đến ANTT như các vụ trộm cắp tài sản, gây rối, kích động công nhân đình lãn công; hỗ trợ lực lượng bảo vệ DN, bảo vệ tài sản, phòng cháy và chữa cháy trong DN. Qua khảo sát tại các DN thành lập Đội CNXK, chủ DN rất ủng hộ và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đội viên và hiệu quả hoạt động của mô hình này…
NHÓM P.V