Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước
(BDO)
Tài nguyên nước mặt ở khu vực phía nam của tỉnh đang có dấu hiệu xuống cấp về chất lượng do ô nhiễm. Trong ảnh: Chất lượng nước ở rạch Bình Nhâm (TP.Thuận An) đang có xu hướng suy thoái và ô nhiễm
Trữ lượng dồi dào
Kết quả các cuộc khảo sát, nghiên cứu về chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy khá phong phú. Trong đó, đối với khu vực 4 con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé và Thị Tính với mật độ sông suối khá dày, lưu lượng nước ở khu vực thượng nguồn ước đạt từ 0,7 km/km2 đến 0,9 km/km2, trong khi đó con số này ở khu vực hạ nguồn ở mức 0,4 km/km2 đến 0,5km/km2. Ngoài nguồn nước mặt từ các sông suối, tỉnh còn có một trữ lượng nước dồi dào từ các hồ chứa ở khu vực thượng nguồn. Với hệ thống sông suối và các hồ chứa khá dồi dào, tổng lượng nước mặt có thể khai thác hàng năm ước đạt 27,5 tỷ m3. Trong đó, tổng lượng nước có thể khai thác hàng năm trên các sông khoảng 26,4 tỷ m3, các hồ là 1,1 tỷ m3.
Dù trữ lượng nước có thể khai thác dồi dào nhưng theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT, chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có dấu hiệu suy giảm dần theo thời gian. Cụ thể, chất lượng nước trên sông Sài Gòn, sông Thị Tính đang có dấu hiệu ô nhiễm và thay đổi theo quy luật chung là giảm dần chất lượng từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, nước trên dòng chính tốt hơn trên các kênh rạch nhánh; chất lượng nước sông Đồng Nai và sông Bé tương đối tốt, ổn định trên dòng chính, tuy nhiên trên các kênh rạch nhánh cũng bị ô nhiễm.
Cùng với nguồn TNN dồi dào trên mặt, trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cũng khá phong phú khi có tới 6 tầng chứa nước, phân bố độ sâu từ 20 đến trên 100m. Nguồn TNN này phụ thuộc khá nhiều vào vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng mà có trữ lượng, chất lượng nước khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm phân bố, diện lộ, khả năng tiếp nhận nguồn cung cấp, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các tầng chứa khác nhau và thay đổi từ 193.000m3/ ngày đến 662.000m3/ngày, tổng trữ lượng khoảng 2.180.000m3/ ngày đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm.
Tăng cường quản lý
Để quản lý tốt hơn các hoạt động về TNN, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt việc khai thác, sử dụng hợp lý. Trong đó nổi bật là quy định về quản lý TNN trên địa bàn tỉnh; quy định về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam của tỉnh… Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về TNN để các doanh nghiệp và người dân biết và thực hiện.
Một trong những hoạt động tạo tiền để để phát huy tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về TNN là công tác điều tra cơ bản về TNN cũng như quan trắc động thái nước mặt, nước dưới đất cũng được tỉnh thực hiện nghiêm túc. Theo đó, hoạt động điều tra cơ bản về TNN trên địa bàn tỉnh đang được hoàn thiện, qua đó có cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quản lý TNN. Công tác điều tra, tuyên truyền động viên người dân cũng như các doanh nghiệp thường xuyên trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng đúng theo quy định giúp giảm bớt các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Công tác thẩm định tham mưu cấp phép khai thác TNN, xả nước thải vào nguồn nước được tăng cường; công tác thanh kiểm tra cũng được tăng cường...
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính trong hoạt động quản lý, nâng cao năng lực tham mưu ban hành các văn bản quản lý TNN cho UBND tỉnh. Ngành cũng sẽ thực hiện nghiêm túc việc rà soát những thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp đề nghị Trung ương bỏ hoặc đơn giản hóa; tăng cường nguồn nhân lực trong hoạt động TNN, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết thời gian tới, đơn vị cũng sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch TNN; tham gia xây dựng và áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm điều hòa lưu lượng nước giữa các mùa, hạn chế tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô. tăng cường kiểm tra, cấp phép và hậu kiểm sau cấp phép khai thác sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước. Xây dựng và triển khai các chính sách về thuế TNN theo hướng tăng mức thu để hạn chế tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan; xã hội hóa các mô hình cấp nước tập trung; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về TNN.
ĐÌNH THẮNG