Tăng cường công tác quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống thông tin đất đai trên địa bàn tỉnh
(BDO) UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp; phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố rà soát, kiện toàn, tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý đất đai các cấp…
UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020, bảo đảm chất lượng, đồng bộ và nâng cao tính khả thi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã và các đối tượng sử dụng đất trên địa bàn. UBND các huyện, thị, thành phố rà soát, kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.
Định kỳ ngày 15-10 hàng năm, các địa phương đăng ký danh mục các dự án, công trình cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm về Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định theo đúng quy định; rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý và khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương…
H.A