Tăng cường công tác quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí

Thứ sáu, ngày 09/08/2024

(BDO)

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố cả nước nói chung, sự cố cháy nổ, tai nạn liên quan đến khí gas vẫn xảy ra tại một số cơ sở kinh doanh khí, hộ sử dụng, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe con người.

Điển hình, sáng 16-7-2024, tại đường Nguyễn Tất Thành, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ nổ khí gas tại quán ăn sắp khai trương làm 7 người bị thương và làm hư hại nhiều tài sản của người dân xung quanh.


Trạm chiết nạp khí LPG

Theo quy định, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tất cả các cơ sở muốn đăng ký kinh doanh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứng nhận đảm bảo về PCCC, giấy phép kinh doanh khí hóa lỏng… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cửa hàng kinh doanh gas trái phép, không có giấy tờ theo quy định, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, có dấu hiệu mua bán gas không có nguồn gốc.

Qua thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 1.000 cửa hàng kinh doanh gas, 10 trạm nạp khí hóa lỏng (LPG) vào chai và 2 trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí dầu mỏ LPG theo quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí và Thông tư số 53/2018/TT-BCT ngày 25-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định Chương trình, nội dung về huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với hoạt động kinh doanh khí, ngày 8-8-2024, Sở Công thương đã ban hành công văn số 2413/SCT-QLNL&KTAT về việc tăng cường công tác quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh Bình Dương, yêu cầu các đơn vị triển khai một số nội dung.

Đối với Phòng Kinh tế các huyện, các thành phố trên địa bàn tỉnh: đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khí thuộc thẩm quyền quản lý chấp hành nghiêm túc các quy định về kinh doanh khí nói chung và công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động kinh doanh LPG nói riêng.

Đối với các trạm nạp LPG vào chai: thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí; xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn theo quy định tại Thông tư số 40/2018/TT-BCT ngày 30-10-2018 của Bộ Công thương; thực hiện quy trình an toàn trong nạp, giao nhận, lưu thông, tồn chứa, vận chuyển… LPG; có biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; bổ sung, cập nhật khi có sự thay đổi trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, các trạm nạp LPG vào chai thực hiện quy định về an toàn, huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với cơ sở kinh doanh khí theo quy định.

Đối với các cơ sở kinh doanh khí, cửa hàng bán lẻ LPG chai: thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ về kinh doanh khí; trong đó có quy định trách nhiệm kiểm tra độ kín của van chai, các đầu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay thế chai LPG cho khách hàng, hướng dẫn trực tiếp các thông tin cần thiết về an toàn khi sử dụng LPG; lập sổ hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG bán tại cửa hàng (các thông tin về chai chứa: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, nơi nhập chai chứa cho cửa hàng, ngày nhập, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày giao cho khác hàng).

Đồng thời, phải có hợp đồng tối thiểu 1 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân; chủ cửa hàng, nhân viên làm việc tại cửa hàng phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Hoàng Ái (Phòng QLNL&KTAT)