Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết
(BDO) Hiện nay, cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống một số bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) từ cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài là các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện phát triển. Vì thế, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, bệnh SXH sẽ gia tăng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường sống không sạch sẽ, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... là những điều kiện thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, hiện tại nhiều người dân quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà quên đi việc phòng chống bệnh SXH. Vì vậy, cùng với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH để phòng tránh tình trạng “dịch chồng dịch” trong cộng đồng.
Biện pháp phòng bệnh SXH chủ yếu và hiệu quả nhất hiện nay vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Tại hộ gia đình, người dân cần chủ động: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thường xuyên làm sạch dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không cần chứa nước; thay nước bình hoa... không cho muỗi đẻ trứng; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
DS. GIANG NHUNG (Trung tâm KSBT Bình Dương)