Giải pháp hạn chế án mạng do nguyên nhân mâu thuẫn tình cảm:

Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở

Thứ sáu, ngày 17/03/2017

(BDO) Nhìn nhận sự gia tăng của các vụ án do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, vào tháng 11-2016, Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá, phân tích và tìm nguyên nhân cũng như giải pháp để hạn chế tình trạng này. Trong số các giải pháp được đưa ra thì công tác hòa giải ở cơ sở đặc biệt được quan tâm.

Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở

Theo đánh giá của Công an (CA) Bình Dương tại hội thảo “Công tác phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội trong tình hình hiện nay”, thì tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội đa số xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân trong cộng đồng; những mâu thuẫn như bất đồng quan điểm, ghen tuông mù quáng, có khi cho rằng mình bị “nhìn đểu”…

Bên cạnh đó, do Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm nên người lao động từ khắp nơi đến làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều. Việc nhiều thanh niên rời khỏi sự quản lý của gia đình, họ hàng, làng xóm nên thường liên kết với nhau thành nhóm đồng hương, khi có mâu thuẫn thì kéo nhau đi giải quyết nên xảy ra án mạng, gây thương tích. Ngoài ra, việc một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm độc hại cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm do nguyên nhân xã hội có dấu hiệu tăng.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh, cho rằng để hạn chế, ngăn chặn các vụ án do nguyên nhân xã hội, các đoàn thể, ngành chức năng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật làm sao có hiệu quả, nhất là đội ngũ công nhân lao động, người ở trọ. Ngoài việc can thiệp, xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ phát sinh thành các vụ án của các cơ quan chức năng thì vai trò hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng, có thể chủ động ngăn ngừa được các vụ án giết người, cố ý gây thương tích xuất phát do nguyên nhân xã hội.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở cần vận dụng một cách khéo léo, hợp lý, hợp tình. Việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để hòa giải. Việc căng thẳng thì dùng pháp luật để giáo dục, răn đe. Do đó nhiều vụ việc xảy ra ở các địa phương hầu hết đều được hòa giải thành, góp phần không để phát sinh các vụ án giết người, cố ý gây thương tích.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 586 tổ hòa giải cơ sở với hơn 4.415 hòa giải viên. Đây là những người phụ trách công tác tại các ngành, đoàn thể và các cá nhân có uy tín tại địa phương. Mỗi khi ở địa phương có mẫu thuẫn thì họ là người đầu tiên có mặt. Mỗi vụ việc các tổ hòa giải đều trực tiếp đến nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, thảo luận và phân công thành viên gặp những người liên quan đến vụ việc để vận động, thuyết phục. Trong công tác hòa giải khéo léo vận dụng cả lý và tình.

Nhiều ban ngành cùng tham gia

Theo đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, tội phạm nói chung và tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm dạng này đạt hiệu quả cao, CA các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện các mặt công tác như: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia có trách nhiệm hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; đề ra nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình, đối tượng; CA các đơn vị, địa phương phát huy những mặt đã đạt được, tập trung chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm theo kế hoạch đã đề ra...

Công tác hòa giải cơ sở giúp kịp thời tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống hàng ngày, mâu thuẫn của từng gia đình. Trong ảnh: Các hòa giải viên ấp 1, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đang thảo luận đơn thư của một trường hợp sắp đưa ra hòa giải Ảnh: THU HƯỜNG

Tham luận “Tiếp cận nguyên nhân xã hội” của tội phạm giết người từ lý luận tội phạm học” tại hội thảo của trung tá Bùi Thành Chung, Phó Trưởng phòng CSHS CA Đồng Nai thì cho rằng xét từ góc độ “xã hội”, nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm giết người thì công tác phòng ngừa tội phạm cũng đòi hỏi tính “xã hội” một cách sâu sắc. Có nghĩa là không chỉ mình lực lượng CA, không chỉ bằng các biện pháp nghiệp vụ là có thể phòng ngừa được tình trạng này mà cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với các giải pháp một cách đồng bộ. Bằng cách tạo ra một môi trường xã hội an toàn, tốt đẹp, trong đó con người được tôn trọng và bảo vệ, các yếu tố tiêu cực được kiềm chế thì mới là giải pháp thực sự căn cơ để phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng được hiệu quả”. 

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh, cho rằng để hạn chế, ngăn chặn các vụ án do nguyên nhân xã hội, các đoàn thể, ngành chức năng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật làm sao có hiệu quả, nhất là đội ngũ công nhân lao động, người ở trọ. Ngoài việc can thiệp, xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ phát sinh thành các vụ án của các cơ quan chức năng thì vai trò hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng.

Trong khi đó, theo thượng tá Đặng Hữu Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh, khi phát sinh mâu thuẫn, những người liên quan phải hết sức kiềm chế, cư xử nhã nhặn, giải quyết mâu thuẫn có tình có lý như ông bà xưa dạy “Một câu nhịn, chín câu lành”. Người trong cuộc có trách nhiệm can ngăn, động viên, kéo các bên đi nơi khác để giảm cường độ gay gắt dẫn đến xung đột, ngăn ngừa hậu quả xấu; kịp thời báo chính quyền địa phương khi không thể giải quyết được mâu thuẫn trong êm đẹp.

NHÓM P.V

Từ khóa: