Tăng cường công tác bảo đảm an toàn hồ chứa
(BDO) Thời gian qua, các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt tác dụng tưới, tiêu, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khắc phục công trình hư hỏng
Bình Dương hiện có 6 công trình hồ chứa nước, trong đó hồ Cần Nôm, Đá Bàn có quy mô lớn, hồ Dốc Nhàn có quy mô vừa, hồ Từ Vân I, Từ Vân II và hồ Suối Lùng có quy mô nhỏ. Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh ngoài nhiệm vụ bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước mưa, nước thải, còn có nhiệm vụ quan trọng là tham gia cắt lũ và phòng lũ cho vùng hạ du.
Hiện nay, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường. Mưa trở nên cực đoan hơn, lượng mưa có xu thế tăng về mùa lũ dẫn đến dòng chảy lũ vào hồ chứa lớn đã tác động rất lớn đến sức chịu tải, độ an toàn của các công trình hồ chứa. Bên cạnh đó, cùng với sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn đập, hồ chứa nước.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với địa phương kiểm tra các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh
Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, cho biết để bảo đảm an toàn công trình, thời gian qua Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý khai thác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, nhằm ứng phó với mưa lũ bảo đảm an toàn hồ chứa, vừa qua chi cục tổ chức kiểm tra công trình thủy lợi (trong đó có các công trình hồ chứa) trong mùa mưa lũ 2023. Qua kiểm tra đã phát hiện, đề xuất các đơn vị quản lý khai thác hồ chứa sửa chữa, khắc phục kịp thời các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh kiện toàn hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; tham mưu họp hội đồng tư vấn nhằm đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đề xuất phương án tích nước các hồ chứa năm 2023 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Song song đó, trong năm 2023, Chi cục Thủy lợi đã thực hiện hoàn thành dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hồ chứa và đề xuất các biện pháp thích ứng”, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12-6-2023. “Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kết quả dự án, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở NN&PTNT triển khai đến các sở ngành, địa phương, đơn vị quản lý khai thác có liên quan tổ chức thực hiện”, ông Vũ Ngọc Thìn cho biết thêm.
Kiểm tra, xử lý, bảo đảm an toàn
Các đơn vị xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm, xâm phạm hành lang bảo vệ công trình. Để bảo đảm vận hành công trình theo đúng quy trình, các đơn vị cần củng cố nguồn nhân lực tham gia quan lý khai thác. |
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước trong thời gian tới, ngoài các nội dung triển khai thực hiện của Chi cục Thủy lợi, ông Vũ Ngọc Thìn cho rằng các địa phương, đơn vị quản lý khai thác hồ chứa cần thực hiện một số nội dung trọng tâm. Chính quyền địa phương có công trình cần phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép… Đồng thời, kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về hồ chứa nước trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cần thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, công trình đê điều và hạ tầng kỹ thuật thoát nước do Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn quản lý. Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kết quả dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hồ chứa và đề xuất các biện pháp thích ứng”. Các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước nên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của các cơ quan chuyên môn để có kế hoạch vận hành công trình phù hợp; điều tiết, tích nước hồ chứa theo quyết định phương án tích nước của UBND tỉnh đã phê duyệt.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Sở NN&PTNT, các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114 của Chính phủ. Trong đó, thường xuyên rà soát, cập nhật phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp; quy trình vận hành hồ chứa nước theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý phải tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, bão, theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa để có phương án vận hành phù hợp; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình, sửa chữa, khắc phục ngay các hạng mục hư hỏng, xuống cấp, hạn chế phát sinh các hư hỏng gây mất an toàn công trình; rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ của vùng hạ du các hồ chứa, nạo vét, phát quang thông thoáng tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu sau tràn bảo đảm tiêu thoát nước khi hồ xả lũ.
THOẠI PHƯƠNG - NGỌC THÌN