Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trường học: Tất cả vì sức khỏe học sinh

Thứ hai, ngày 12/11/2012

Theo chủ trương của ngành giáo dục - đào tạo, các trường mầm non tổ chức được bán trú, trường tiểu học triển khai dạy 2 buổi/ ngày, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc nuôi dạy trẻ. Từ đó, nhu cầu tổ chức bán trú cho học sinh (HS) đã được các trường đặt ra, đáp ứng được nguyện vọng gửi con của phụ huynh HS.

Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh và 42/135 trường tiểu học có tổ chức bán trú, cũng đồng nghĩa với việc trường tổ chức ăn uống cho trẻ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho trẻ, ở những trường có bếp ăn tập thể đều xây dựng bếp theo quy trình một chiều, thực phẩm (TP) có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo thường xuyên phối hợp cùng ngành y tế kiểm tra chặt chẽ từ nguồn mua TP đến chế biến của các bếp ăn này, chỉ đạo các trường tích cực tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, nhất là trong dịp lễ, tết, năm học mới, tháng hành động ATVSTP…  

 Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh khảo sát bếp ăn tập thể ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.TDM)

Ông Lê Nguyễn Anh Thương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh (phường An Thạnh, TX.Thuận An) cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác chăm sóc, bảo đảm ATVSTP luôn được nhà trường quan tâm. Việc ăn trưa tại trường luôn được chú trọng chất lượng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mỗi ngày cung cấp bữa trưa cho hơn 1.000 HS và giáo viên, nhân viên trường. Toàn bộ trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn đều được trang bị bằng inox theo quy định của ATVSTP, khu sơ chế thức ăn được bảo đảm vệ sinh, các nhân viên nhà bếp được trang bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ, tập huấn kiến thức ATVSTP… Nguồn TP được nhà trường lựa chọn từ những cơ sở cung cấp TP có uy tín và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm đầy đủ. Ngoài ra, trường còn thường xuyên phổ biến nội quy về an toàn TP, vệ sinh môi trường cho nhân viên bếp ăn và giáo viên các lớp nhằm bảo đảm an toàn nhất cho HS.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng phương án kiểm tra, giám sát chất lượng TP và việc bảo đảm ATVSTP trong các bếp ăn tập thể tại trường học có HS bán trú. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về Luật An toàn TP và các kiến thức bảo đảm ATVSTP trong các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa... Ngoài ra, Chi cục ATVSTP tỉnh còn phối hợp với các huyện, thị, thành phố thành lập nhiều đoàn kiểm tra chất lượng ATVSTP đến các trường học có bếp ăn tập thể.

Bà Đặng Ánh Tuyết, Trưởng phòng Thanh tra - Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, qua thanh kiểm tra các trường học có bếp ăn tập thể đã cơ bản thực hiện tốt trong khâu vệ sinh đối với cơ sở; vệ sinh đối với dụng cụ, vệ sinh trong chế biến bảo quản TP. Các trường đều có hồ sơ về ATVSTP. Trong việc thu mua TP, ngay từ đầu năm học, các trường học đều có hợp đồng trách nhiệm về bảo đảm điều kiện ATVSTP. Nhiều trường chủ động đầu tư xây dựng bếp ăn bảo đảm nguyên tắc một chiều, trang bị, mua sắm các dụng cụ thiết bị nhà bếp bảo đảm vệ sinh. Bữa ăn của HS thực tế ở các trường đều đúng với thực đơn trường công khai và bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số trường học chưa có bếp ăn bảo đảm nguyên tắc một chiều, khu sơ chế chưa bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, hầu hết các trường học chưa có giấy kiểm dịch đầu vào đến đúng địa điểm và đúng số lượng.

Trong thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các tiêu chuẩn về ATVSTP trong trường học, cũng đã góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc TP tại các trường học. Tuy nhiên, nhằm tránh các nguy cơ gây ngộ độc TP có thể xảy ra, các trường học có bếp ăn tập thể cần lựa chọn cơ sở cung cấp TP có uy tín, góp phần nâng cao sức khỏe cho các em HS.

Nếu như ở các trường mầm non đều tổ chức nấu ăn tại trường, thì hiện nay còn một số trường tiểu học chưa có bếp ăn tập thể, trường phải đặt suất ăn công nghiệp. Đột xuất ghé 2 trường tiểu học trong giờ ăn, chúng tôi đã có hai cái nhìn khác nhau giữa 1 trường có tổ chức nấu ăn và trường đặt suất ăn công nghiệp. Tại một trường tiểu học ở TP.TDM, do đặt suất ăn, nên khoảng 9 giờ cơ sở nấu ăn đã mang thức ăn đến trường và bày biện ra bàn ăn cho HS. Ngoại trừ món canh còn nóng, cơm chỉ còn hơi ấm, món mặn đã nguội. Cơm canh đã sẵn sàng nhưng cũng khoảng 20 phút sau HS mới đến nhà ăn. Lần khác chúng tôi ghé 1 trường tiểu học khác ở huyện Phú Giáo cũng đặt suất ăn công nghiệp. Trường này không có nhà ăn, nên cơ sở phải bày biện bàn ăn ngoài hành lang. Nơi ăn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, thức ăn còn được dọn sẵn, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.

Trong điều kiện chưa có bếp ăn hoặc nhà ăn nhưng một số trường vẫn tổ chức bán trú cho HS, đây là cố gắng lớn của các trường. Nhưng điều này thật sự chưa ổn. Tìm hiểu chúng tôi mới hay, những trường vừa được xây dựng gần đây mới có bếp ăn, nhà ăn, còn trường đã xây dựng trước đây thì chưa có. Ban giám hiệu các trường đã có kiến nghị lên cấp trên, nhưng có trường vẫn chưa được xây dựng nhà ăn.

Ngoài sự bất ổn trong việc tổ chức ăn uống, thực đơn của trẻ cũng cần được quan tâm. Dẫu biết rằng, thực đơn phải đa dạng và thay đổi mỗi ngày, nhưng có trường đã sử dụng xúc xích làm món mặn, trong khi đây là thức ăn nhanh, HS rất dễ ngán. Vậy nên, nhiều em cứ ngồi ẹo tới, ẹo lui trông thật ngán ngẩm. Có trường thức ăn quá đơn điệu, chỉ có canh và món mặn. Khi được hỏi thì cơ sở nấu ăn giải thích, do các em còn nhỏ không thích món xào nên chỉ cần 2 món là đủ. Làm gì để bữa ăn của HS thật sự bảo đảm về chất lượng? Qua thực tế, các trường ở địa bàn TX.Dĩ An đa số đều có bếp ăn, Thuận An một số trường đặt nấu nhưng tổ chức nấu tại trường. Do đó, tiền ăn của HS chỉ khoảng 18.000 - 19.000 đồng/ngày, có trường đóng 16.000 đồng/ngày đối với lớp 1. Tuy nhiên, các em phải đóng thêm tiền chất đốt, cấp dưỡng, cộng các khoản cũng tương đương những trường đặt suất ăn công nghiệp, nhưng do không tốn các khoản phí nên HS được ăn trọn vẹn số tiền đã đóng. Như vậy, nếu các trường tổ chức được bếp ăn thì HS vẫn có lợi hơn. Mặt khác, thức ăn nấu tại chỗ chắc chắn sẽ bảo đảm vệ sinh hơn do không phải di chuyển và thức ăn cũng nóng hơn, tạo được sự ngon miệng của các em.

Chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo là khuyến khích các trường tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, còn việc tổ chức bán trú là ngành giáo dục - đào tạo linh động thực hiện, nhằm tạo sự thuận tiện cho phụ huynh và HS. Nhưng theo chúng tôi, khi đã tổ chức bán trú thì cần thực hiện cẩn trọng và nghiêm túc. Nếu như các trường mầm non - mẫu giáo có biên chế cấp dưỡng, thì trường TH không có biên chế này. Từ đó dẫn đến việc có trường có bếp ăn nhưng vẫn phải thuê đơn vị nấu ăn. Thêm nữa, ban giám hiệu một số trường cũng muốn làm như vậy cho tiện, đỡ phải lo trách nhiệm về ATVSTP.

 Xây dựng cho HS văn hóa ẩm thực

Một tồn tại phổ biến trong giờ ăn của HS tiểu học là phòng ăn ồn như chợ vỡ, bởi các em thả sức nói chuyện, đùa giỡn. Giáo viên chủ nhiệm có đến phòng ăn hỗ trợ người phục vụ nhưng không thể quản nổi hàng trăm HS, cô có gào lên các em cũng không nghe thấy. Vậy mới có chuyện một số em ăn chậm, giáo viên phải đút, nhưng cũng chỉ có thể chăm sóc cho được vài em. Khi các bạn đã ăn xong trở về lớp, có em lợi dụng sơ hở bỏ mứa khi chỉ ăn được hơn nửa phần ăn.

Ăn không chỉ để no, mà ăn uống cũng cần phải có văn hóa. Văn hóa ẩm thực là việc ban giám hiệu cần quan tâm giáo dục HS khi các em còn ở bậc tiểu học. Điều này rất có lợi, các em tập trung ăn sẽ tốt cho sức khỏe, tránh bị hóc xương trong khi ăn. Làm được điều này, khi lớn lên các em trở thành người có ý thức và có nếp sống văn minh, lịch sự, văn hóa.

 

 A.SÁNG - T.PHƯƠNG