Tăng cường công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy
(BDO) Cuối năm là thời điểm nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) gia tăng; nhất là tại những nơi tập trung đông người như các chợ, trung tâm thương mại, tiệm tạp hóa, trạm xăng dầu… Để bảo đảm an toàn PCCC, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã mở nhiều đợt tuyên truyền về PCCC cho người đứng đầu các cơ sở, DN trên địa bàn.
Hầu hết các vụ cháy xảy ra ngoài giờ làm việc
Từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2017, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy, làm chết 4 người, bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản trên 9,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số vụ cháy tăng 1 vụ, số người chết tăng 4 người, số người bị thương tăng 2 người, nhưng thiệt hại về tài sản giảm 13,6 tỷ đồng; trong đó cháy cơ sở sản xuất 8 vụ, hộ kinh doanh 3 vụ, cháy nhà ở hộ gia đình 3 vụ. Thời gian cháy chủ yếu xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ làm việc 8 vụ, chiếm 57%, đó là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, chỉ có lực lượng bảo vệ thường trực với số lượng ít, công tác thường trực không bảo đảm, khi xảy ra cháy không phát hiện kịp thời dẫn đến cháy lớn. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy là do sự cố chập điện, bất cẩn trong sinh hoạt, sự cố kỹ thuật về điện…
Cảnh sát PC&CC kiểm tra việc trang bị thiết bị PCCC tại một cơ sở karaoke ở TX.Dĩ An. Ảnh: DUY CHÍ
Một cán bộ làm công tác tuyên truyền về an toàn PCCC cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố chạm chập điện, nhưng dễ thấy nhất vẫn là do hệ thống cũ, công suất sử dụng quá tải làm tăng nhiệt đường dây, dẫn đến chạm chập phát sinh tia lửa rồi cháy. Tương tự, các sự cố kỹ thuật thiết bị cũng vậy, do không làm tốt khâu kiểm tra, bảo dưỡng dẫn đến trục trặc kéo dài mà không bị phát hiện. Phần lớn các vụ cháy đều xảy ra vào lúc nghỉ ngơi, hết giờ làm việc. Các đám cháy diễn biến cũng rất nhanh do trong nhà, trong xưởng sản xuất có nhiều vật dụng dễ cháy, phát sinh nhiều khói, khí độc rất nguy hiểm. Nếu không may có người mắc kẹt trong đám cháy thì nguy cơ ngạt thở, ngộ độc khí, dẫn đến tử vong rất cao.
Giải pháp phòng ngừa cháy hiệu quả nhất là các cơ sở, DN, người dân cần thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống dây dẫn thiết bị để kịp thời phát hiện nguyên nhân sự cố, như quá tải đường dây do tăng công suất sử dụng, phát hiện trầy tróc dây dẫn để kịp thời xử lý, thay mới…
Nguy cơ cháy nơi tập trung đông người
Vào cuối năm, các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, trạm xăng dầu là những nơi luôn có đông khách hàng, các máy móc thiết bị vận hành công suất cao nên nguy cơ mất an toàn, xảy ra cháy rất cao. Bình Dương có tốc độ phát triển đô thị, kinh tế - xã hội nhanh, nhiều trạm xăng dầu phát triển dọc các tuyến đường chính nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhưng có một số trạm xăng dầu nằm gần trạm biến điện, gần nhà dân, khu dân cư, hàng quán, có đông người qua lại làm gia tăng nguy cơ mất an toàn về PCCC.
Một cán bộ kiểm tra thuộc Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh cho biết, trong quá trình kiểm tra, cán bộ kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp phuy cát dành để chữa cháy tại một vài DN biến thành bồn trồng hoa. Khi lực lượng chức năng hỏi lý do trồng hoa trong bồn thì được chủ cơ sở hồn nhiên trả lời: Yêu cầu về PCCC thì trạm kinh doanh xăng dầu phải có phuy cát chữa cháy. Nhưng ở đây không cháy, nên trồng hoa cho đẹp. Khi có hữu sự thì dùng xẻng xúc cả cát lẫn hoa để dập lửa cũng được! Cũng có trường hợp chủ cơ sở đã trang bị đủ bình chữa cháy xách tay nhưng do sợ để bên ngoài bị kẻ gian lấy cắp nên chủ cơ sở đã “cẩn thận” mang hết bình chữa cháy cất vào tủ, khóa kín.
Thông thường, thiết bị PCCC phải được đặt đúng nơi đúng chỗ, dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng… Bởi vì thời gian chữa cháy ban đầu là rất quan trọng, ai cũng có thể xử lý được chứ không chờ đến khi người có trách nhiệm đến nơi thì thời gian “vàng” đã qua, đám cháy đã bùng phát, mức độ nguy hiểm sẽ vô cùng to lớn.
Đẩy mạng tuyên truyền, kiểm tra
Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Bình Dương hiện có gần 20.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong số đó có trên 4.000 cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình cháy nổ luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường và có xu hướng gia tăng cả về số vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy gây ra.
Trước tình hình đó, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn cháy nổ xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, Cảnh sát PC&CC tỉnh thường xuyên phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. Cảnh sát PC&CC tỉnh còn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, tổ chức công tác PCCC và tác hại của cháy nổ đối với con người và xã hội. Qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, DN, hộ gia đình và nhân dân đối với công tác PCCC.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Cảnh sát PC&CC tỉnh cũng quan tâm hướng dẫn các địa phương xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng dân phòng PCCC cơ sở và chuyên ngành. Cụ thể như tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập xử lý tình huống cháy nổ xảy ra, báo động kiểm tra năng lực sẵn sàng chữa cháy của lực lượng và phương tiện tại chỗ…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2.978 đội PCCC cơ sở, 94 đội dân phòng PCCC, 5 cơ sở có đội PCCC hoạt động chuyên trách và 13 cơ sở có đội PCCC chuyên ngành, 97.000 đội viên PCCC dân phòng và cơ sở được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã qua huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Lực lượng này đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý các sự cố cháy nổ ngay từ khi đám cháy mới phát sinh; đã tự tổ chức cứu chữa có hiệu quả trên 60% tổng số vụ cháy xảy ra.
DUY CHÍ