Tăng cường chống hàng gian, hàng giả
(BDO)
Công an TP.Thủ Dầu Một phát hiện một vụ buôn bán trên 10.000 bao thuốc lá lậu. Ảnh: PX 03
Tăng mức xử phạt
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những loại hàng hóa giả, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, các đơn vị chức năng tăng cường công tác nắm thông tin, trinh sát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Chỉ trong hơn 1 tháng nay, qua công tác trinh sát địa bàn, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ kinh doanh hàng lậu, sản xuất hàng giả.
Mới đây nhất, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP.Thủ Dầu Một đã phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Qua tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an TP.Thủ Dầu Một bắt giữ bà Nguyễn Thị Ch. và anh Phạm Trung Đ. để điều tra về hành vi buôn bán hàng cấm và tiếp tục mở rộng điều tra.
Ngoài hành vi buôn bán hàng lậu với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự thì Nghị định 98 có hiệu lực vào ngày 15-10-2020 thay thế cho Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15- 11-2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (Nghị định 185) và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 124/2015/ NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ đã giúp ngành chức năng thuận lợi hơn trong việc xác định và xử phạt hành chính khi phát hiện những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “So với quy định trước đây, Nghị định 98 đã bỏ định nghĩa hàng giả là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ và bổ sung thêm về căn cứ xác định thuốc giả, dược liệu giả, nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Đối với hàng cấm được quy định cụ thể hơn như thuốc bảo vệ thực vật cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ. Về quy định mức xử phạt, Nghị định 98 quy định rõ ràng hơn cho từng mặt hàng theo số lượng cụ thể (điều 8). Đối với hàng giả thì tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể và điều chỉnh tăng mức phạt ở một số hành vi. So với trước đây, Nghị định 98 quy định mức xử phạt hành chính tăng cao hơn, từ đó tạo tính răn đe mạnh mẽ, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm”.
Hàng lậu “vào mùa”
Dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 tăng cao, nhiều đối tượng vì lợi nhuận sẽ bất chấp vi phạm pháp luật để sản xuất hàng gian, hàng giả, vận chuyển hàng nhập lậu trên địa bàn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, công an một số địa phương đã tăng cường đấu tranh, phòng chống buôn lậu, hàng cấm ở các địa bàn, tuyến đường trọng điểm để bảo đảm tốt an ninh trật tự (ANTT), ổn định thị trường hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương.
Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng Công an TX.Bến Cát cho biết, sắp đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, lượng tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng đột biến, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như: Thuốc lá, rượu bia, đồ dân dụng, điện tử, vật tư y tế (khẩu trang, nước sát khuẩn)… Đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để sản xuất hàng gian, hàng giả, vận chuyển hàng cấm lén lút hoạt động. Do vị trí địa lý, địa hình ở phía Tây của TX.Bến Cát có tuyến đường ĐT744 liên kết với các địa phương, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An (có các cửa khẩu với Campuchia), vì vậy, đa số các đối tượng thông qua tuyến đường này để vận chuyển hàng cấm về TP.Thủ Dầu Một, Đồng Nai. Cùng với đó là tuyến quốc lộ 13 với nhiều đường nhánh rẽ nên các đối tượng chia nhau di chuyển để tập kết hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về TP.Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Công an TX.Bến Cát yêu cầu các đội nghiệp vụ, công an các địa phương có 2 tuyến đường trên phải huy động mọi nguồn lực, phương tiện tăng cường rà soát địa bàn, nắm tình hình ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, tụ điểm có dấu hiệu nghi vấn tập kết, điểm trung chuyển hàng hóa nhập lậu để đấu tranh.
Nói đến hiệu quả trong công tác đấu tranh với tội phạm và ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thượng tá Huỳnh Văn Thành, cho biết: “Năm 2020, tội phạm và vi phạm kinh tế trên địa bàn TX.Bến Cát tăng 18 vụ so với năm 2019 (phát hiện 104/86 vụ); tiến hành xử lý hành chính 51 vụ với tổng số tiền 88,5 triệu đồng; có 44 vụ đang tiếp tục điều tra. Riêng thời gian hơn 2 tháng cuối năm 2020, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy Công an TX.Bến Cát phối hợp với công an các địa phương đấu tranh, xử lý 4 vụ liên quan đến hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng 4.700 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại; 60 nồi cơm điện; gần 310 chảo kim loại mang nhiều mã sản phẩm của nhãn hiệu ForHouse. Đáng chú ý nhất là có 2 vụ được cơ quan Cảnh sát điều Công an thị xã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi buôn bán hàng cấm”.
Trong khi đó thượng tá Võ Minh Châu, Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết do địa bàn huyện có vị trí giáp ranh nên nhiều đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu, đặc biệt là thuốc lá điếu từ Tây Ninh sang địa bàn Bình Dương-, Bình Phước tiêu thụ. Trước tình hình trên, Công an huyện Dầu Tiếng phối hợp chặt với các đơn vị giáp ranh tăng cường tuần tra, kiểm soát và kịp thời thông tin cho nhau để phối hợp xử lý. Trong năm 2020, qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Dầu Tiếng đã phát hiện 28 vụ, 22 đối tượng vận chuyển hàng cấm, chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu. r
N.HẬU - H.PHƯỚC - T.QUANG