Tăng cường các kênh tiêu thụ hàng Việt
(BDO) Những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hình ảnh trên thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng luôn nỗ lực mở rộng các kênh phân phối để người dân tin tưởng và mua sắm hàng Việt.
Khách hàng tham quan, mua sắm hàng Việt tại Hội chợ thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng năm 2019 Ảnh: THANH HỒNG
Hiệu quả từ kết nối
Thời gian qua, ngành công thương đã tích cực tham gia hỗ trợ DN. Theo đó, ngành phối hợp với các siêu thị Big C, Co.op Mart, Citimart tổ chức bán hàng bình ổn giá trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành phối hợp thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng; tổ chức các hội chợ, các đợt bán hàng khuyến mại, đưa hàng Việt về các khu tập trung dân cư, khu công nghiệp… nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa chất lượng của người dân.
Đối với công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngành công thương đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ trái cây có múi, hàng nông sản trên địa bàn tỉnh với các thị trường trong nước. Bên cạnh đó, ngành xúc tiến kết nối cung cầu với DN thu mua các sản phẩm nông nghiệp như cam, bưởi, quýt, măng cụt… của hộ nông dân, chủ trang trại ở các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TX.Thuận An… hỗ trợ DN tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm nhằm quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm có thế mạnh của địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng…
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong năm 2018 đã vận động 120 lượt DN tham gia các hội chợ triển lãm, với những sản phẩm chủ lực của địa phương đã được kiểm soát an toàn thực phẩm như bưởi, cam, chuối, dưa lưới… Nhờ đó, đã có 20% DN kết nối cung cầu hàng hóa giữa đơn vị sản xuất, đơn vị tiêu thụ, siêu thị. Điển hình như Công ty Rau thủy canh Bình Dương đã ký kết cung cấp giống cho 3 cơ sở và lắp ráp thi công chuyển giao mô hình rau thủy canh; Công ty Rau sạch Gia Đình ký kết cung cấp rau sạch cho 5 DN…
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, cho biết việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các ngành liên quan, cơ sở kinh doanh có cơ hội tiếp cận các nhà phân phối, mở rộng thị trường qua hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, các vườn bưởi ở Bạch Đằng đã tiếp đón nhiều đoàn nông dân trong và ngoài tỉnh, đoàn công tác từ Hàn Quốc, đồng thời liên kết với một số công ty du lịch đưa cả ngàn lượt khách đến tham quan mô hình sản xuất bưởi và thưởng thức những quả bưởi thơm ngon, qua đó quảng bá thương hiệu bưởi Bạch Đằng.
Với việc tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ DN, thời gian qua nhiều sản phẩm có xuất xứ tại Bình Dương được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Chỉ riêng trong năm 2018, một trong nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của ngành công thương là chương trình hội chợ thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Chương trình có 21 lượt DN tham gia, tổng doanh thu gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp tổ chức có 11 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp với sự tham gia của 82 DN. Các phiên chợ thu hút khoảng 19.500 lượt khách tham quan, mua sắm; tổng doanh thu của DN đạt trên 1,8 tỷ đồng.
Tiếp tục mở rộng kênh phân phối
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, từ khi cuộc vận động được triển khai (năm 2009) đến nay, hàng Việt đã đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đã có 80% khách hàng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 - 90%. Kết quả đó cho thấy, cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực về tâm lý tiêu dùng; ngày càng có nhiều hơn DN quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn và có những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng, uy tín hàng Việt, đồng thời chú trọng khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa…
Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn; số lượng DN tham gia các phiên chợ còn ít so với số lượng DN trên địa bàn tỉnh, từ đó hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước đến tay khách hàng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với hàng ngoại cùng tâm lý “sính ngoại” của người dân vẫn đang là bài toán chưa thể quyết sớm. Thực tế hiện nay, mặc dù có đến gần 90% lượng hàng Việt được phân phối trong hệ thống siêu thị, chợ truyền thống nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết chưa thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Để nâng tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống, hiện đại, giải pháp cốt lõi vẫn là DN cần tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam và hàm lượng sáng tạo. Cùng với đó, DN cần tập trung các chiến lược phát triển thị trường trong nước, đổi mới hơn nữa phương pháp quảng bá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ; đồng thời đổi mới kiểu dáng, mẫu mã nhằm nâng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa dịch vụ… giúp người dân tiếp cận những sản phẩm an toàn và chất lượng… Có như vậy, công tác hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ, các kênh tiêu thụ hàng Việt mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
THANH HỒNG