Tăng cường các hoạt động giám sát an toàn thực phẩm
(BDO) Sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những ngày qua, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã và đang thực hiện các đợt thanh, kiểm tra về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH URC Việt Nam
Vấn đề được quan tâm
Thực hiện sự chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATTP. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin người tiêu dùng. Những cơ sở vi phạm ATTP được công bố trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết và cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm để dùng. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Trên thị trường, một số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông. Điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm vẫn diễn ra…
Để tồn tại những vấn đề nói trên, một trong những nguyên nhân chính được BCĐ xác định chính là do ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chủ đề của Tháng hành động vì ATTP năm 2018 được BCĐ ATTP tỉnh chọn là “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Tăng cường giám sát
Công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP luôn được các ngành chức năng tổ chức thường xuyên trong năm, cao điểm nhất là trong tháng hành động. Ở tuyến tỉnh, các ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn là ba đơn vị chủ lực thực hiện công tác này. Ngoài kiểm tra liên ngành, mỗi ngành đều thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để kiểm tra việc bảo đảm ATTP đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm do ngành mình quản lý.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết, trong tháng hành động này, chi cục thành lập 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Dự kiến, từ ngày 8-5 đến 8-6 tới, 2 đoàn sẽ tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở theo quy định của pháp luật và đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo chân đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP tỉnh trong những ngày qua, cho thấy việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các doanh nghiệp lớn được thực hiện khá tốt. Tại Công ty TNHH URC Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore), đoàn đã tiến hành kiểm tra hồ sơ giấy tờ pháp lý của công ty, hồ sơ sức khỏe người lao động, kiểm tra bếp ăn tập thể, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm đối với 6 sản phẩm mà công ty đang sản xuất và lưu thông trên thị trường. Ông Huỳnh Tấn Cúc, Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, qua các đợt thanh tra liên ngành cũng như chuyên ngành trong những ngày qua cho thấy, các doanh nghiệp lớn đều sản xuất theo dây chuyền khép kín, hiện đại nên việc tuân thủ các quy định pháp luật trong việc bảo đảm điều kiện ATTP rất tốt. “Ở mỗi nơi đến, chúng tôi đều lấy mẫu thực phẩm gửi đi kiểm nghiệm. Do chưa có kết quả kiểm nghiệm nên chưa thể kết luận chính xác chất lượng sản phẩm có đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ của các doanh nghiệp đã công bố hay không”, ông Cúc nói.
Qua công tác thanh tra, ở một vài doanh nghiệp còn gặp một số hạn chế mà các đoàn thanh tra Chi cục ATVSTP tỉnh đã nhắc nhở doanh nghiệp như: khu chế biến ở bếp ăn tập thể của một số doanh nghiệp còn quá nhỏ, thiếu một số dụng cụ trong quá trình vệ sinh, khâu lưu mẫu chưa đúng theo quy định và kho chứa thực phẩm khô còn chật chội nên bảo quản thực phẩm không đúng quy định, hồ sơ kiểm tra 3 bước đầu vào còn thiếu... Những ngày qua, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản tỉnh cũng đã và đang tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra chuyên ngành kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc lĩnh vực mà chi cục đang quản lý. Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đánh giá: “Nhìn chung, kết quả kiểm tra bước đầu tại các doanh nghiệp lớn chưa phát hiện vi phạm gì để phải xử lý vi phạm hành chính. Ở các cơ sở nhỏ và vừa cũng có quan tâm đến việc bảo đảm các điều kiện ATTP, nhưng giữa sự quan tâm và thực hiện còn có khoảng cách, cho nên còn gặp một số thiết sót. Những thiếu sót này chúng tôi chỉ lập biên bản nhắc nhở và xử lý những cơ sở cố tình vi phạm (đã nhắc nhở nhưng không chịu khắc phục). Hiện chúng tôi cũng đang chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu mới biết có sản phẩm nào vi phạm hay không”.
Trước đó, các đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đối với 15 công ty lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Tại mỗi nơi đến kiểm tra, đoàn đều lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm. Ông Huỳnh Tấn Cúc, Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục ATVSTP tỉnh khẳng định: “Những doanh nghiệp, cơ sở nào có mẫu kiểm nghiệm thực phẩm không đúng tiêu chuẩn công bố, vi phạm về ATTP sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và sẽ công bố trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người tiêu dùng biết…”.
HỒNG THUẬN