Tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI

Thứ sáu, ngày 05/04/2019

Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018, nhìn tổng quan, Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng so với năm 2017. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp về việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI.

(BDO)

 Để góp phần nâng cao Chỉ số PAPI, từng cán bộ, công chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” Sở Công thương giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

 Ông Lý Văn Đẹp cho biết Chỉ số PAPI năm 2018, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 43,50/80 điểm, cao hơn năm 2017 là 10 điểm, xếp trong nhóm trung bình thấp 39/63 tỉnh, thành (năm 2017 trong nhóm thấp điểm nhất). Tuy nhiên so với năm 2017, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của tỉnh. Ông Đẹp cho rằng Chỉ số PAPI năm 2018 có 8 chỉ số nội dung, trong đó có 6 chỉ số nội dung gốc là: Tham gia của người dân cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; 2 chỉ số nội dung mới so với PAPI 2017 là: Quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Theo kết quả công bố, so với Chỉ số PAPI năm 2017, năm 2018 Bình Dương có 3/6 chỉ số nội dung tăng điểm là: Tham gia của người dân cấp cơ sở (tăng 0,95 điểm); kiểm soát tham nhũng (tăng 1,29 điểm); thủ tục hành chính công (tăng 0,47 điểm). Nhìn tổng quan, Chỉ số PAPI 2018 của tỉnh có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng so với năm 2017.

Chỉ số PAPI 2018 bước đầu đưa ra thước đo về hiệu quả hoạt động của Chính phủ điện tử thông qua Chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”. Sự cần thiết của Chính phủ điện tử và quản trị điện tử đã được Việt Nam đặt ra là một trong những ưu tiên của quốc gia trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 10 năm sau khi Chính phủ quyết tâm đầu tư xây dựng hệ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước theo tinh thần của Nghị định số 102/2009/ND-CP.

Để đạt được kết quả bước đầu nói trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Những nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung được người dân đồng thuận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được người dân đánh giá cao, như: Một số nơi chính quyền cơ sở còn hạn chế trong quản lý điều hành công việc của địa phương; một bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở còn hạn chế về kỹ năng hành chính, xử lý tình huống, thái độ trong công việc chưa cao. Việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai, chia sẻ thông tin với người dân về quy hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân… “Trước những hạn chế này, sắp tới Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp về việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI. Trong đó, chú trọng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2010 của Chính phủ; Kế hoạch CCHC Nhà nước tình Bình Dương giai đoạn 2016- 2020 gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động về các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1824/UBND-NC”, ông Đẹp nói.

Cũng theo ông Đẹp, Sở Nội vụ sẽ kiến nghị các cấp, các ngành tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu về các nội dung của Chỉ số PAPI, gắn với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý, điều hành công việc chung của địa phương.

Theo đó, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống mọi biểu hiện tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, trao đổi công việc với nhân dân. Cùng với đó là tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả, đồng bộ trong xây dựng “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện” theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 Đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chỉ số PAPI

Để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động của các cấp chính quyền, triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong phục vụ nhân dân.

Cùng với đó là tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; củng cố và tăng cường chất lượng của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng để tham gia giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở cơ sở về các lĩnh vực: Tài chính, kinh tế, xã hội, quy hoạch, giải tỏa đền bù, đất đai, điều chỉnh địa giới hành chính và các công trình xây dựng cơ bản có sự tham gia đóng góp của nhân dân…

 HỒ VĂN