Tăng cường các giải pháp dập dịch sốt xuất huyết

Thứ hai, ngày 12/12/2022

(BDO) Năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue có xu hướng tăng cao. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh giám sát huyết thanh, giám sát véc tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch và thu dung điều trị giảm thiểu tử vong. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tự dọn dẹp vệ sinh môi trường và nhân rộng việc thả muỗi mang Wolbachia trong cộng đồng.


Lực lượng chức năng lật đổ các vật dụng chứa nước có lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết tại TX.Tân Uyên

Chủ động triển khai các giải pháp

Theo hệ thống giám sát bệnh SXH, từ đầu năm đến tuần 49 năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 14.415 ca SXH, tăng 104,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có 22 trường hợp tử vong. Cụ thể, số ca mắc, tử vong của các địa phương: TX.Tân Uyên 2.970/7 ca, TP.Dĩ An 2.271/8 ca, TX.Bến Cát 2.183/0 ca, TP.Thủ Dầu Một 1.962/1 ca, TP.Thuận An 1.729/3 ca, huyện Bàu Bàng 1.060/1 ca, huyện Dầu Tiếng 1.023/1 ca, huyện Phú Giáo 849/0 ca và huyện Bắc Tân Uyên 368/1 ca. Trong năm, toàn tỉnh đã phát hiện 2.960 ổ dịch SXH, tiến hành xử lý 2.960 ổ dịch, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 1.757 ổ dịch được diệt lăng quăng và 1.203 ổ dịch kết hợp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các địa phương có ca mắc, tử vong cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hỗ trợ xử lý dập dịch trên diện rộng.

Ông Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết ngay từ đầu mùa mưa, ngành y tế đã dự đoán được tình hình, diễn biến phức tạp của dịch SXH, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng năm 2022. Ngay từ tháng 4-2022, khi dịch bệnh SXH có dấu hiệu tăng cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát hỗ trợ tại các địa phương. Trung tâm còn phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.Hồ Chí Minh giám sát phòng chống SXH tại các địa phương có ca mắc cao. “Đặc biệt, ngành y tế đã thành lập những đoàn giám sát công tác triển khai phòng chống dịch SXH tại các địa phương có ca tử vong SXH. Tại những buổi kiểm tra, ngành y tế đã có những quán triệt, chỉ đạo kịp thời những thiếu sót của địa phương. Đồng thời, ngành cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch SXH, đặc biệt là giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch và thu dung điều trị giảm thiểu tử vong”, ông Kiều Uyên nói.

Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện được hơn 180 mẫu phân lập vi rút. Kết quả phân lập vi rút ghi nhận 2 mẫu mắc type vi rút Den 2. Qua giám sát véc tơ truyền bệnh (muỗi Aedes Agypt), chỉ số lăng quăng và chỉ số muỗi trưởng thành tại các huyện tăng cao so với cùng kỳ và có nguy cơ bùng dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giám sát hàng tháng. Kết quả giám sát cho thấy chỉ số lăng quăng và muỗi trưởng thành tăng cao từ tháng 4-2022 đến nay. Thời tiết hiện nay là điều kiện cho véc tơ muỗi sinh sản và ngành y tế cũng đẩy mạnh giám sát huyết thanh và giám sát véc tơ gây bệnh.

Khi số ca mắc SXH tăng cao, ngành y tế chủ động, sẵn sàng hệ thống điều trị. Bình Dương là địa phương tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh nên lượng bệnh nhân đến điều trị tại thành phố tương đối nhiều, đặc biệt là từ Bệnh viện Đa khoa TP.Thủ Đức và các Bệnh viện Nhi đồng. Công tác điều trị, chăm sóc người mắc SXH được thực hiện theo đúng phác đồ, hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế diễn tiến nặng, gây tử vong cho người bệnh.

Tiếp tục tập trung phòng chống dịch

Nói về nguyên nhân ca mắc SXH cao và xuất hiện nhiều ca tử vong trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Kiều Uyên lý giải năm 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch; qua giám sát huyết thanh, trên địa bàn tỉnh có lưu hành chủng vi rút Den 2. Theo đánh giá của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, chủng D2 thường gây bệnh nặng. Cùng với sự tồn tại của type vi rút Den 2 thì người dân còn chủ quan, lơ là, nhất là sau dịch bệnh Covid-19. Việc khai báo ca bệnh tại các cơ sở y tế chưa được duy trì, thực hiện đầy đủ thời gian qua nên dẫn đến công tác giám sát ca bệnh chưa kịp thời, xử lý ổ dịch chưa đúng thời gian. Các hoạt động can thiệp tổng vệ sinh môi trường chưa thực sự quyết liệt. Thời gian qua, lực lượng y tế tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giải quyết các vấn đề “hậu Covid-19”, do đó việc thực hiện phòng chống dịch SXH chưa được đầy đủ, kịp thời.

Ông Nguyễn Kiều Uyên cho biết tình hình dịch bệnh trong những tuần gần đây đang có xu hướng giảm hầu hết tại các địa phương. Tuy nhiên, thời tiết hiện nay thường xuyên mưa và chỉ số côn trùng tại các điểm giám sát trọng điểm còn cao; tình hình dịch thời gian tới có xu hướng giảm nhưng số ca mắc vẫn cao. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch SXH.

Diệt lăng quăng là biện pháp hiệu quả để phòng chống SXH. Vì vậy, các địa phương cần duy trì thường xuyên hoạt động diệt lăng quăng. Đặc biệt, tại các điểm nóng, nguy cơ, hoạt động này cần duy trì hàng tuần. Các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt ngay lăng quăng, bọ gậy.

Về lâu dài, ngành y tế vận động người dân tự dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có lăng quăng, áp dụng mô hình hướng dẫn các học sinh tiểu học, THCS thực hiện dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ vật chứa nước có lăng quăng, nhân rộng việc thả muỗi mang Wolbachia trong cộng đồng. Đặc biệt, các địa phương mạnh tay xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình, xí nghiệp, cơ sở không thực hiện vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại bỏ vật chứa nước có lăng quăng.

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch SXH nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Ngành củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh SXH” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH”, đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ y tế.

HOÀNG LINH - ĐĂNG HƯNG