Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
(BDO) Để tránh tử vong, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin dại cho động vật, chăm sóc y tế kịp thời cho người không may bị cắn. Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 hướng đến việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Ngành thú y phối hợp với địa phương ra quân tuyên truyền phòng, chống bệnh dại
Tỷ lệ tử vong cao
Bệnh dại gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ 100% khi lên cơn. Trong 5 năm qua, bệnh dại ở Việt Nam làm chết 410 người/2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 35 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành phố (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong người là rất cao.
Trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù chưa ghi nhận trường hợp ca tử vong vì bệnh dại trên người và trường hợp mắc bệnh dại trên đàn chó nuôi, động vật khác. Tuy nhiên, có 1 trường hợp người tử vong do bị chó nuôi tấn công vào tháng 5-2023 tại TP.Dĩ An. Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 60.000 con chó được tiêm phòng bệnh dại định kỳ hàng năm. Thời gian qua, chi cục chỉ đạo Trung tâm Thú y các huyện, thị, thành phố rà soát số lượng tiêm ngừa phòng dại trên tổng đàn chó của địa phương. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với khu phố, tổ dân phố đến từng nhà dân để phổ biến các quy định về quản lý vật nuôi; đồng thời các trạm, địa phương đã tổ chức và duy trì thường xuyên việc bắt chó thả rông. Người dân cũng có thể lập danh sách các hộ nuôi chó và báo cho tổ dân phố để cán bộ thú y đến nhà tiêm phòng để bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, nạn chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến, chủ nuôi không thực hiện tiêm ngừa hay đeo rọ mõm, chó cắn người gây thương tích vẫn còn tồn tại. Theo quy định của pháp luật, chủ vật nuôi phải đăng ký với UBND cấp xã, phường tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó nuôi thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật…
Bảo vệ tính mạng người dân
Để bảo vệ sức khỏe người dân, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, mục tiêu cụ thể quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025, trên 80% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030, xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện. Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại; 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê, trong giai đoạn năm 2023-2025 và từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026-2030.
Tăng cường giám sát bệnh dại trên động vật với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư; kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế khi có các ca bệnh dại trên đàn chó, mèo; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu bệnh dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) của Cục Thú y. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền; xây dựng, cung cấp nội dung tuyên truyền hỗ trợ cho các địa phương; rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin chính xác với cơ quan thú y ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn (trong vòng 24 giờ); tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định; đồng thời, bảo đảm việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC