Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, giai đoạn 2016-2020:

Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Thứ tư, ngày 30/03/2016

(BDO)  Trên cơ sở Chương trình hành động của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về thực hiện cuộc vận động (CVĐ) xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020, Ban ATGT tỉnh vừa xây dựng chương trình hành động để thực hiện cuộc vận động này.
Mục đích của cuộc vận động

Việc triển khai, thực hiện chương trình hành động nhằm đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ), làm chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thủy, nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy, hình thành môi trường văn hóa giao thông ĐTNĐ văn minh, an toàn.
Chương trình hành động cũng nhằm mục đích nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2011-2015, kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình văn hóa giao thông đường thủy nội địa tại các cảng, bến, cụm dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến đường thủy nội địa; cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến đường thủy nội địa lập lại trật tự, góp phần phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ. Phát huy hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, các cấp và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT ĐTNĐ...


Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm ổn định trật tự an toàn giao thông đường thủy. Ảnh:
H.BÌNH

Theo Ban ATGT tỉnh, nội dung của chương trình hành động là tiếp tục duy trì thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa” của Ban Bí thư Trung ương Đảng; nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và ĐTNĐ.
Bên cạnh đó là tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của từng mô hình theo tiêu chí đã đề ra, loại bỏ các mô hình không đạt hiệu quả. Đồng thời tập trung xây dựng các mô hình văn hóa tại các cảng, bến, cụm dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến ĐTNĐ, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ĐTNĐ. Tổ chức tham quan học tập để nắm bắt các phương pháp, cách làm hay, góp phần phát triển, nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn.
Việc làm này cũng nhằm để phát động phong trào văn hóa giao thông và thi đua trong các lực lượng thực thi công vụ trên ĐTNĐ, như: Lực lượng Cảnh sát giao thông thủy, Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ, đăng kiểm…; xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với người dân; kết hợp, lồng ghép thực hiện cuộc vận động với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình “Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em”… nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội trên ĐTNĐ...
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo kế hoạch, cuộc vận động được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2016 đến 2020), cụ thể: Năm 2016, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020 trên toàn tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh, huyện; phát động phong trào “Văn hóa giao thông đường thủy” tại các cảng sông, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, các cụm dân cư sinh sống ven sông, ven tuyến ĐTNĐ, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ĐTNĐ nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông thủy nội địa, bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến, luồng và hành lang bảo vệ luồng; phát động phong trào trong các lực lượng chức năng thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ.
Từ năm 2017-2020, hàng năm đưa nội dung kế hoạch thực hiện cuộc vận động vào Kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng các kế hoạch chuyên đề thực hiện cuộc vận động; xây dựng các nội dung, tiêu chí của “Văn hóa giao thông thủy” trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban ATGT Quốc gia để thống nhất thực hiện trên toàn tỉnh; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về “Văn hóa giao thông thủy”; tập trung chỉ đạo các địa bàn trọng điểm về ĐTNĐ, vùng sông nước như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng để nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện cuộc vận động.
Song song đó, các ngành chức năng còn tổ chức xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông thủy”, triển khai và đánh giá hiệu quả, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao; định hướng và duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về “Văn hóa giao thông thủy” trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Năm 2018 tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động. Năm 2020, tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động.

BÌNH MINH