Tăng cường bảo vệ máy rút tiền
Việc trộm dùng máy hàn để cắt két máy ATM lấy 1,3 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) gây chấn động các ngân hàng (NH) có đầu tư hệ thống máy ATM. Đây là vụ trộm ATM lấy tiền thứ 2 trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Trao đổi với PV vào trưa 26-11, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Techcombank - cho biết thông thường thì các máy ATM của Techcombank đặt gần các khu công nghiệp, những nơi đông người, những nơi có bảo vệ để tạo thuận tiện cho người sử dụng thẻ. Vụ máy ATM tại Tân Phú, TP.HCM đang được cơ quan công an điều tra. Tuy nhiên tình trạng bọn trộm dùng máy hàn để lấy tiền trong các máy ATM không những ảnh hưởng đến Techcombank mà cả hệ thống NH hiện nay.
Nhiều ngân hàng đang tăng cường bảo vệ các trụ ATM
Về cơ bản, các máy ATM nhập về có những phương tiện an ninh bảo vệ chung nhưng đối với trường hợp dùng máy hàn để cắt cửa thì khó bị phát hiện ngay. Bởi thông thường, khi máy ATM hết tiền hay bị ngắt điện sẽ báo về màn hình của trung tâm điều hành. Có thể khi trộm dùng máy hàn, khoan để cắt cửa két sắt thì máy báo về là bị cắt điện nên nhân viên không thể biết là bị trộm.
Hiện nay, các NH trên toàn quốc có khoảng 9.000 máy ATM. Mỗi máy có thể chứa từ 800 triệu đồng trở lên nên những máy đặt ở nơi vắng người qua lại thường là “miếng mồi ngon” cho bọn trộm. Tình trạng kẻ gian dùng máy hàn để cắt cửa ATM đang trở nên đáng báo động. Ở Hà Nội, đã xảy ra 5 vụ nhưng kẻ gian không lấy được tiền. Còn tại TP.HCM, có 2 vụ mất hơn 2 tỉ đồng. Đặc điểm chung của 2 vụ xảy ra tại TP.HCM là máy đặt ở nơi không có bảo vệ (có thể là bảo vệ của cơ quan gần đó) quan sát, cửa tiếp tiền vào máy là cửa trước nên thuận tiện hơn cho kẻ gian đột nhập. Thủ đoạn lấy trộm tiền trong máy ATM lần này cũng giống lần trước, vết cắt khá gọn và bọn trộm cũng đã canh khi máy vừa tiếp đầy tiền là thực hiện ra tay.
Ông Lê Huỳnh Hà - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ ATM NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Ngay khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của cấp trên tăng cường an ninh, bảo vệ cho các máy ATM. Đối với những vị trí máy ATM được đánh giá là không được an toàn thì khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi sẽ khóa cửa”. Không những Vietcombank mà các NH khác hiện nay cũng đang tăng cường an ninh cho các máy ATM cũ và không lắp máy mới ở những khu vực không an toàn. Nhất là những tháng cuối năm, nhu cầu người rút tiền tăng cao nên việc nạp tiền vào máy sẽ tăng cao.
Trên thực tế, các NH vẫn thường ưu tiên thuê những vị trí đặt máy ATM cho phép NH nạp tiền từ phía sau để có thể thiết kế đặt két tiền vào phía trong, chỉ có phần giao dịch là lộ ra ngoài. Tuy nhiên những vị trí như vậy tiền thuê khá cao và cạnh tranh rất lớn giữa các NH. Vì vậy, vị trí đặt máy ở những nơi vắng vẻ đã từng bị lên án là không an toàn cho người rút tiền nhưng do chi phí thuê lại rẻ nên vẫn được nhiều NH lựa chọn.
Vụ cắt phá máy ATM lấy tiền lần thứ 2 đã khiến các NH chấn động và chắc chắn hệ thống máy ATM phát triển trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng. Theo nguồn tin từ NH bị trộm tiền từ máy ATM lần trước, NH này đã rút kinh nghiệm, chỉ nạp vào máy ATM một số tiền vừa phải để tạo tính an toàn cho máy, chấp nhận chi phí phát sinh tiếp quỹ (nạp nhiều lần). Đồng thời, mỗi máy ATM được giao cho điểm giao dịch gần đó quản lý.
Một số NH cho biết sẽ triển khai hệ thống báo động. Trường hợp bên ngoài tác động vào máy ATM, nhiệt độ của máy tăng lên, máy bị chấn động sẽ có còi báo hú, đồng thời máy sẽ tự động điện vào số điện thoại của người có chức năng. Biện pháp này sẽ tăng cường được an ninh cho máy ATM hơn.
Theo Thanh Niên