Tăng 5,2%, bức tranh công nghiệp đổi gam màu sáng

Thứ hai, ngày 01/07/2013

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy thấp hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước nhưng đã có xu hướng tăng dần và mức tăng nhanh hơn so với năm 2012 do các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đang dần phát huy tác dụng. So với quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp quý II năm nay cao hơn 1,5 điểm phần trăm, trong khi quý II năm 2012 chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm.

  Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidic Tosok (Tập đoàn Nidec, Nhật Bản).

Đặc biệt, trong mức tăng chung 5,2% của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm, ngành khai khoáng đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 4,1 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,2% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản lượng than và dầu thô giảm. Sản lượng than đá khai thác sáu tháng ước tính đạt 22,1 triệu tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ và đạt 50,1% kế hoạch.

Sản lượng than tồn kho tính đến thời điểm 20/6 là 7,2 triệu tấn, trong đó than thành phẩm 5,4 triệu tấn; than bán thành phẩm 1,8 triệu tấn. Sản lượng dầu thô khai thác 6 tháng ước tính đạt 8,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức tăng 12,4% cùng kỳ năm 2012, đạt 52,1% kế hoạch. Dầu thô sử dụng cho chế biến xăng dầu sáu tháng là 3,6 triệu tấn, trong đó 2,9 triệu tấn được khai thác trong nước, chiếm 80,5%, số còn lại được nhập khẩu.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đã tăng 5,7% (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%). Đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tuy chưa đạt mức tăng như cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng quý II cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với mức tăng quý I (mức tăng quý II/2012 thấp hơn 1,0 điểm phần trăm so với quý I/2012).

Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như: Sản xuất da tăng 16,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,1%; sản xuất đồ uống tăng 10,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 9%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 5,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,4%; sản xuất thuốc lá tăng 4,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 3,9%.

Một số sản phẩm đóng góp nhiều trong công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt sản lượng cao trong 6 tháng qua phải kể đến như thủy hải sản chế biến đạt 851.000 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ năm trước tăng 14,6%); đường kính đạt 1,1 triệu tấn, tăng 13,9% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%); phân urê đạt 1 triệu tấn, tăng 34,9% (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%); xi măng đạt 28,1 triệu tấn, tăng 7,2% (cùng kỳ năm trước giảm 5,9%); thép cán đạt 1,34 triệu tấn, tăng 22,3%; thép thanh, thép góc đạt 1,6 triệu tấn, tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước giảm 14,6%); ô tô lắp ráp đạt 44.900 chiếc, tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước giảm 11,4%)…

Ngành sản xuất và phân phối điện trong 6 tháng đầu năm tăng 8,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 14,7% của cùng kỳ năm trước, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ sản xuất trong nước chậm nên nhu cầu về điện giảm; chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6% (cùng kỳ năm trước tăng 8,7%).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6  của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%, tiếp tục xu hướng mức tăng giảm dần từ đầu năm. Tuy nhiên, thực tế có một số loại sản phẩm tồn kho được tiêu thụ với giá rẻ, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp thậm chí lỗ để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn đầu tư sang lĩnh vực khác.

Một số ngành có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho tương đối tốt như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất đồ uống; sản xuất xe có động cơ; sản xuất trang phục; dệt may…Trong khi sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất thiết bị điện; sản xuất thuốc lá và sản xuất kim loại có chỉ số sản xuất, tiêu thụ thấp, sản phẩm tồn kho tăng cao.

Tính riêng trong tháng 6, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm 2012, chỉ số sử dụng lao động tháng 6/2013 tăng 2,8%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,6%.

Chỉ số sử dụng lao động tháng 6 trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%.

Theo VOV