Tân tổng thống AMLO liệu có làm thay đổi Mexico?

Thứ tư, ngày 11/07/2018

(BDO) Lần đầu tiên sau gần 100 năm, một ứng cử viên cánh tả đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 1-7 vừa qua để trở thành Tổng thống Mexico. Quan điểm dân tộc thiên tả của Andres Manuel Lopez Obrador là điều mà nhiều người cho rằng sẽ làm thay đổi nhiều thứ ở Mexico, kể cả trong quan hệ với người láng giềng Bắc Mỹ.

Đúng như dự đoán của giới quan sát, cuộc bầu cử Tổng thống Mexico ngày 1-7 công bố hôm 2-7 đã cho kết quả ông Andres Manuel Lopez Obrador - thường được biết đến với tên gọi tắt là AMLO, đại diện cho liên minh chính trị cánh tả mang tên Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử (Together We Will Make History) - đã giành được tỉ lệ vượt trội với 53% phiếu bầu, hơn gấp đôi người về nhì là ứng cử viên Ricardo Anaya thuộc đảng Hành động quốc gia (PAN) với chỉ 22% phiếu. Còn ứng cử viên Jose Antonio Meade của đảng Cách mạng thể chế (PRI) về thứ ba với chỉ vỏn vẹn 16% phiếu bầu.

Đây là kết quả hết sức ấn tượng đối với một ứng cử viên cánh tả trong chính trường truyền thống theo cánh hữu từ gần 100 năm qua. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh một thực tế rõ ràng rằng người dân Mexico đang mong muốn một sự thay đổi một cách có ý nghĩa, bởi họ đã chán ngán các nhân vật chính trị kiểu cũ bào thủ và đầy rẫy tham nhũng, thiếu tính chân thật.

Trong phút chốc sau khi kết quả bầu cử được công bố, thủ đô Mexico City đã tràn ngập biển người đổ ra các ngả đường và quảng trường trung tâm để chào đón người hùng mới của cánh tả, reo mừng điều mình mong muốn đang trở thành hiện thực. Mexico đang trong thời khắc thay đổi và sẽ khác đi rất nhiều kể từ ngày 1-12 tới, khi AMLO tuyên thệ nhậm chức.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông AMLO đã tuyên bố niềm tin của người dân Mexico đặt vào ông sẽ được đền đáp xứng đáng, cam kết sẽ thực hiện đầy đủ những lời hứa đã đưa ra trước cử tri, sẽ không phản bội, không làm cho cử tri thất vọng.

Trong phát biểu của mình, AMLO cam kết sẽ lãnh đạo đất nước với tinh thần cao nhất vì nhân dân Mexico thuộc mọi tầng lớp, mọi giới tính và không phân biệt đối với người có quan điểm khác biệt. AMLO cam kết sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người, quan tâm đến tất cả, nhưng khẳng định ông sẽ dành ưu tiên lớn hơn cho những người thấp bé nhất, yếu thế nhất trong xã hội để tạo cho họ một vị thế cân bằng hơn với những người khác.

Năm nay 65 tuổi, ông AMLO xuất thân từ tầng lớp bình dân ở đô thị thuộc tỉnh Tabasco, Tây Nam Mexico. Thời trai trẻ, AMLO từng có thời gian 6 năm làm đại diện cho Viện Người bản xứ Quốc gia tại địa phương. Sự xâm nhập gần gũi với người da đen bản xứ là vốn liếng quý báu đầu tiên trên con đường sự nghiệp của AMLO, nó hun đúc trong ông ngọn lửa đấu tranh vì một đất nước Mexico công bằng hơn, một đất nước “của nhiều người” chứ không phải “chỉ vài người”, như ông từng tuyên bố cách đây 31 năm tại Villahermosa, thủ phủ tỉnh Tabasco.

Cũng tại cuộc họp mặt chính trị tại Villahermosa năm đó, AMLO đã đưa ra lời “tiên tri” về tương lai “trở thành Tổng thống Mexico”.


Ông AMLO mừng chiến thắng sau bầu cử.

Sau ngày 1-7, lời tiên tri 31 năm trước của AMLO đã thành hiện thực và trước mặt ông sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm rất nặng nề cần phải thực hiện thành công. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó sẽ là việc thực hiện lời hứa xóa bỏ tham nhũng. Đây sẽ là cuộc chiến cam go bởi tham nhũng đã là một vấn nạn ăn sâu vào chính trị và đã khiến cho những người tiền nhiệm của ông thất bại trong việc thực hiện lời hứa với cử tri và đẩy đất nước Mexico vào tình trạng mất kiểm soát về tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai chính là giành lại quyền kiểm soát trong cuộc chiến chống ma túy, đẩy lùi các tập đoàn mafia ma túy đang hoành hành dữ dội tại Mexico. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, giới phân tích đang kỳ vọng AMLO sẽ theo đuổi giải pháp theo hướng ít cứng rắn hơn và ít quân sự hóa hơn, thay đổi luật chơi để giảm thiểu thương vong trong dân thường vô tội.

AMLO từng tuyên bố trong lúc tranh cử rằng “không thể chống lại bạo lực bằng cách gây ra bạo lực nhiều hơn, cũng như không thể dùng lửa để dập lửa”. Ông đưa ra gợi ý ân xá để giúp những “chân rết” hạng thấp trong guồng máy tội phạm tự giác rời xa lối sống tội phạm.

Song song với cuộc chiến chống tội phạm ma túy là nhiệm vụ cải thiện cuộc sống, giảm đói nghèo bằng những chương trình an sinh xã hội vốn là đặc sản của cánh tả Nam Mỹ hơn 10 năm qua. Từng thực hiện thành công khi còn làm Thị trưởng Mexico City, AMLO tự tin vào khả năng ông cũng sẽ thành công khi áp dụng các chính sách vì người nghèo trên phạm vi cả nước Mexico - một điều chưa từng có ở Mexico dưới thời những người tiền nhiệm.

Đối với mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc, AMLO đã thể hiện một quan điểm cứng rắn trong những ngày vận động tranh cử. Ông đã tuyên bố sẽ phát động chiến dịch chống lại cái mà ông gọi là chính sách vừa ngạo mạn, vừa kỳ thị chủng tộc và vô nhân đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump - chính sách cách ly gia đình, tách những đứa trẻ khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ chúng do họ muốn nhập cư trái phép vào Mỹ, phản bác gay gắt cái gọi là “chiến dịch thù hằn” nhắm vào những người di cư Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, một ngày sau bầu cử, AMLO lại tỏ ra mềm mỏng, ra chiều “ngoại giao” hơn khi đề cập các vấn đề liên quan đến láng giềng phương Bắc. AMLO viết trên Twitter rằng ông đã nhận được cuộc gọi điện thoại chúc mừng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và kết quả từ cuộc nói chuyện điện thoại kéo dài nửa giờ đó là một tuyên bố khác hẳn của AMLO đối với các vấn đề của nước Mỹ.

“Tôi cho rằng chúng ta nên thử tìm kiếm sự đồng thuận chung cho các dự án phát triển để tạo công ăn việc làm ở Mexico từ đó giảm bớt đi tình trạng di cư và bảo đảm an ninh. Các đại diện của chúng ta sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán” - AMLO nói khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Televisa của Mexico. Ông nhấn mạnh sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước “chứ không phải một cuộc đối đầu”. 

Theo CAND