Tân sinh viên trước ngưỡng cửa đại học
Một năm học mới bắt đầu, cánh cửa giảng đường đại học (ĐH) mở ra trước mắt các tân sinh viên (SV) bao nhiêu điều mới mẻ, thú vị. Biết bao suy nghĩ, băn khoăn, thắc mắc mà mỗi SV đặt ra trước một giai đoạn mới: Đời sống SV như thế nào? Học tập ở ĐH khác với bậc phổ thông như thế nào? Phải học thêm những cái gì ngoài những kiến thức trong trường được truyền đạt? Có nên đi làm thêm hay không?... Những câu hỏi đó khiến cho mỗi SV phải dành nhiều thời gian để tìm kiếm và học hỏi, trăn trở và suy nghĩ một cách nghiêm túc để tìm câu trả lời ngay từ những ngày đầu của năm học. Niềm vui của các sinh viên xuất sắc trong ngày tốt nghiệp tại trường ĐH Thủ Dầu Một
Học tập
Với mục tiêu và yêu cầu đào tạo của giáo dục ĐH khác với giáo dục phổ thông cho nên đặt ra nhiệm vụ học tập nặng nề hơn so với phổ thông. Điều này đòi hỏi SV phải có phương pháp, có động cơ, thái độ đúng đắn, khoa học. Một bộ phận không nhỏ SV đã có những biểu hiện không tốt trong học tập như: trốn học, không đi học thường xuyên, tới lúc thi thì chỉ mượn tập các bạn chăm chỉ photo; cách học thụ động, đối phó, lười suy nghĩ và phát biểu không phát huy được tính năng động, sáng tạo, tích cực của SV; nhiều SV có cách học “mù quáng” là tin tuyệt đối vào sách vở mà không có sự phản biện và hoài nghi; không thường xuyên ôn tập những kiến thức cơ bản của môn học dẫn tới không nhớ bài cũ, không tiếp thu tốt bài mới, lượng tri thức tích lũy thấp, thi cử kém hiệu quả. Sau này ra trường đụng chạm công việc thực tế thì không nhìn nhận, phân tích, xử lý các vấn đề đặt ra một cách chính xác; lười đọc thêm tài liệu tham khảo, học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, “học ngày không đủ tranh thủ học đêm”, nhồi nhét và không tiêu hóa được kiến thức. Không có thời gian để suy ngẫm, liên hệ vận dụng thực tế, phát triển kiến thức của mình; chưa biết cách tìm kiếm, khai thác thông tin, sử dụng quỹ thời gian hiệu quả.
Đó là những vấn đề mà một số anh chị SV đi trước đã vướng phải. Vì vậy, về mặt nhận thức, các SV cần phải xác định rằng: đã đi học là phải học giỏi, tránh tư tưởng “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều, sinh viên thi lại là điều tất nhiên”, “Không qua vòng một cũng qua vòng hai”... Đó là cách nói ngụy biện, không phản ánh đúng trí tuệ và bản lĩnh SV. Tìm kiếm cho mình các tài liệu về phương pháp học tập hiệu quả và cố gắng thực hành nhiều lần để làm chủ các phương pháp học tập. Rèn luyện phối hợp các phương pháp học tập với đặc điểm bản thân mình để có phương pháp tối ưu nhất. Các SV nên đến lớp thường xuyên, ghi chép bài đầy đủ, rõ ràng. Kiến thức thầy cô trên lớp truyền đạt là những nội dung cơ bản, quan trọng hoặc những nội dung mà sách giáo khoa trình bày khó hiểu. Ở trên lớp, các SV sẽ được nghe những ví dụ minh họa từ thực tiễn, cập nhật thông tin mới nhất đồng thời học hỏi cách tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề...
Phải học đều, học tốt tất cả các môn bởi mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ riêng. Mỗi môn học đều giúp chúng ta có kiến thức, tư duy, phương pháp mà từ đó, chúng ta tự tích lũy, phối hợp vận dụng vào việc học tập và làm việc sau này. Bạn hãy đưa ra các kết hợp mới lạ, liên kết kiến thức, tư duy, phương pháp của nhiều môn khác nhau. Hãy nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách khác nhau và tìm ra khía cạnh mới mà chưa ai tìm ra. Suy nghĩ vấn đề theo hướng “phát sinh” chứ không phải “lặp lại”. Người bình thường thường chọn những cách giải quyết đã từng áp dụng khi gặp vấn đề. Người sáng tạo thường tự hỏi có bao nhiêu phương án, cách giải quyết cho vấn đề này. Không chỉ vậy, các em cần phải hỏi thầy cô những điều mình chưa hiểu, còn băn khoăn, thắc mắc. Trình bày, đề xuất với các thầy cô về suy nghĩ, sáng kiến của mình để được hướng dẫn hợp lý. Suy nghĩ bay bổng (hoặc ngược lại) có thể cho phép trí óc bạn tạo ra một hình thái mới. Hãy học cách học có hiệu quả: học từ bạn, học bằng hành, học bằng cách đặt nhiều câu hỏi (5W + 2H: what, when, who, why, where + how, how long...) học qua họp, học nhóm...
Trong thời gian đi học, các SV nên đầu tư nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu khoa học sẽ giúp mình rèn luyện tư duy, phương pháp, nghiên cứu khoa học, đụng chạm, xử lý các vấn đề thực tế. Đó là cơ hội để chúng ta vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và là cách chúng ta nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Các SV nghiên cứu khoa học tốt thưòng ra đời làm việc hiệu quả cao hơn so với các SV khác. Hãy bắy đầu nghiên cứu khoa học ngay khi bạn bắt đầu học ĐH. Nghiên cứu khoa học không phải cái gì quá cao xa, to tát mà bạn không thể với tới mà nó bắt đầu từ những khái niệm, những câu chữ trong sách, vở, từng lời thầy cô giảng, những bài tập thầy cô giao, tiểu luận và cao hơn là các đề tài nghiên cứu khoa học. Một vấn đề rất quan trọng mà bạn cần phải lưu ý khi bắt đầu: Khoa học bắt nguồn từ tình yêu và lòng say mê. Nghiên cứu khoa học mà chạy theo các điểm số, giải thưởng, vì các điểm số, giải thưởng hay vì danh vị, danh lợi là điều bi kịch.
Làm thêm
Đi làm để kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình và khẳng định mình là rất tốt... Song khi nhận làm thêm việc gì, cần phải xem có ảnh hưởng tới lịch học tập, khả năng học tập của mình hay không? Nhiệm vụ quan trọng nhất của SV là học tập và học cho thật tốt. Thu nhập từ việc làm thêm thường không thường xuyên và không cố định. Các bạn có hoàn cảnh khó khăn thì càng phải cố gắng học tập hơn nữa. Việc học tập tốt có thể giúp mình có thêm học bổng từ trường và các đơn vị tài trợ khác. Học tốt sẽ giúp mình dễ dàng kiếm việc và thu nhập cao hơn khi ra trường. Nếu hoàn cảnh quá khó khăn thì hãy mới đi làm thêm để theo đuổi học tập. Ngoài ra, bạn có thể sắp xếp thời gian vào dịp hè hay dịp tết để đi làm thêm những việc làm có thể liên quan, hỗ trợ cho nghề nghiệp đang theo học. Ví dụ như nhiều SV khoa Xây dựng ĐH Thủ Dầu Một đi làm công nhân xây dựng để tích lũy kinh nghiệm thực tế, các SV khoa kinh tế đi làm bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu thị trường, các SV sư phạm đi làm gia sư... Những bài học ngoài giảng đường như vậy rất có giá trị đối với nghề nghiệp của bạn.
Học thêm
Nếu cảm thấy mình thiếu, yếu kiến thức nào thì các bạn nên học bổ sung thêm để sau này đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động như: ngoại ngữ; vi tính; các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, kỹ năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng viết CV và trả lời phỏng vấn; các khóa học ngắn hạn bổ sung cho chuyên môn của mình; những kiến thức mà nghề nghiệp yêu cầu mà trong trường ít đào tạo. Điều quan trọng là phải có ý chí, quyết tâm và sắp xếp phù hợp với lịch học tập ở trường và khả năng học tập trước khi đi học. Rất nhiều SV đăng ký học rồi lại bỏ học dở dang, lặp đi lặp lại nhiều lần hao tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
TRẦN MINH ĐỨC (Đại học Thủ Dầu Một)