Tản mạn thế giới 2011
Một Mùa Xuân mới đã trở lại với Bắc Bán cầu và một năm mới, năm thứ 2012 theo Công lịch, 2573 theo Phật lịch và 1400 theo Hồi lịch lại đến với cả thế giới.
Nếu như các tôn giáo cùng có chung hai viên quan giám hộ như Nam Tào và Bắc Đẩu để mỗi cuối năm lên tâu với Ngọc Hoàng về thế sự dưới nhân gian thì hẳn Ngài phải nhíu mày, cau mặt vì có quá nhiều tai ương, phiền muộn trong năm qua ở dương thế này... Dưới đây chỉ là tản mạn về đôi điều nổi cộm.
"Mùa Xuân Ảrập" có phải Mùa Xuân?
Xác nhà lãnh đạo Gaddafi bị lột trần và bị kéo lê trên đường phố ngày 20/10/2011 đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của cuộc nổi dậy có tính dây chuyền nhiệt hạch ở Trung Đông-Bắc Phi mà Phương Tây gọi là "Mùa Xuân Ảrập".
Khởi phát từ Tunisia với việc một người bất mãn tự thiêu, cuộc nổi dậy đã phế truất Tổng thống Bely của Tunisia, Tổng thống Mubarak của Ai Cập, kéo sang các nước Yemen, Bahrain, Jordania…, đe doạ sự tồn tại của Tổng thống Assad ở Syria, bắt sống và bắn chết Tổng thống Gaddafi "vua của các vua châu Phi" - nổi tiếng là siêu quyền lực, giàu có, phóng khoáng và kỳ dị. "Mùa Xuân Ảrập" bùng dậy bất ngờ với cả người nổi dậy, người bị lật đổ lẫn nhà "quan sát" quyền lực như CIA.
Kinh tế Bắc Phi tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân không thấp, thậm chí ở Libya còn đạt 10.000 đôla/đầu người. Nhưng ít ai để ý đến sóng ngầm đã âm ỷ từ lâu trong lòng các xã hội. Trong khi số thanh niên thất nghiệp ở Ai Cập cao nhất thế giới, với tỷ lệ 25% so với 14%; trong khi nhiều thanh niên lớn tuổi không có tiền cưới vợ thì bố con Tổng thống Mubarak sở hữu hàng chục tỷ đô la và 39 bạn bè chiến hữu của Gamal (ông con) cũng có tài sản đến 1 tỷ đôla mỗi người. Trong khi hàng loạt địa phương còn nghèo khó thì gia đình Tổng thống Gaddafi thu vén và cất giấu hàng trăm tỷ đôla. Việc cả Mubarak và Gaddafi đều cai trị nhiều thập kỷ và đều "cơ cấu" trắng trợn để con trai mình lên kế vị đã tạo nên các chế độ độc tài gia đình trị xuyên thế kỷ.
Sự ra đi của các nhà cai trị này trước sau cũng không tránh khỏi. Nhưng thật khổ cho cái ông Gaddafi xấu số ấy. Khi ông còn tại vị, ở thế thượng phong và đứng về "phe Mỹ" trong cuộc chiến chống khủng bố thì CIA thậm chí còn giúp ông bắt bỏ tù những người đối lập ở Libya. Nhưng năm 2011, khi ông bị lôi ra khỏi nơi ẩn náu, bị bắn chết và bị lột trần kéo lê trên đường phố đến thảm thương rùng rợn thì công lý của loài người trở nên thật đáng mỉa mai. Chẳng thế mà Toà án Hình sự quốc tế La Hay đề nghị điều tra tội phạm những người đã bắn chết Gaddafi khi chưa xét xử. Vậy rốt cục thì hơn 20 nghìn cuộc oanh tạc của NATO xuống Libya là vì dân chủ nhân quyền cho 6 triệu người dân Libya hay vì 6% dầu lửa thế giới nằm trên lãnh thổ nước này - một thứ nhân quyền dầu lửa?
Nguy cơ xâu xé nhau trên các hố đạn bom để tranh giành quyền lực giữa các phái nổi dậy, nguy cơ Tổ chức "Anh em Hồi giáo" sẽ ở vị trí ngư ông đắc lợi tại các nước Hồi giáo mới qua cơn binh lửa này đã đặt thêm một câu hỏi đau đớn khác. Đó là "Mùa Xuân Ảrập" có phải là Mùa Xuân - là cách mạng như người ta tưởng lúc đầu không, hay chỉ là các cuộc chính biến đẫm máu để thay người cầm quyền chứ không thay bản chất chính quyền?
Bin Laden chết và nước Mỹ suy vi
Đêm 1-5-2011, sau 10 năm huy động cả một đội quân khổng lồ tìm kiếm, đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đã bí mật đột nhập vào lãnh thổ Pakistan, bất ngờ tấn công cơ sở ẩn náu của Bin Laden và bắn chết tay trùm khủng bố này khi còn đang ngái ngủ trên giường. Chiến dịch thật mỹ mãn. Tuy nhiên, Bin Laden chết, phong trào Al-Qaeda bắt đầu suy thoái nhưng nước Mỹ phải trả một giá đắt mà trước đó họ không tưởng tượng nổi, còn chính Bin Laden và Al- Qaeda thì đã đạt được phần lớn các mục tiêu của mình. Mục tiêu này rất đơn giản: làm chảy máu nước Mỹ để cuối cùng Mỹ suy yếu và buộc phải giải quyết vấn đề Trung Đông một cách công bằng - dĩ nhiên còn vì sự trỗi dậy của Đạo Hồi nữa (!).
Al-Qaeda chỉ mất vài trăm triệu đôla và một số người cảm tử, còn Mỹ phải huy động toàn quốc và bao nhiêu quốc gia đồng minh và bạn bè khác thực hiện "cuộc thập tự chinh" chống lại, mất hàng nghìn nhân mạng và hàng nghìn tỷ đôla chiến phí (theo nhà kinh tế Mỹ từng nhận giải Nobel là Stiglitz thì con số này lên đến khoảng 3.000-5.000 tỷ đôla).
Có lẽ khi hai chiếc máy bay chở khách Boeing đâm vào tháp đôi New York sáng 11/9/2001 cũng là lúc nước Mỹ đã bắt đầu đi qua đỉnh dốc. Cuộc chiến chống khủng bố kỳ quặc mà Tổng thống Bush hấp tấp phát động hôm sau, do quá tự ái, đã đẩy nước Mỹ lao xuống dốc nhanh hơn. Nhìn lại, người ta có thể khẳng định rằng, có lẽ khôn ngoan hơn thì Mỹ đã nên điều chỉnh chính sách Trung Đông theo hướng công bằng hơn và ít mùi dầu lửa hơn thay vì lùa đại quân đi các hang hốc trên rừng núi ở Afghanistan để chiến đấu với Al-Qaeda, như Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió, để rồi té ngửa ra vì nhân vật bao đêm ngày mình truy lùng lại ung dung sống với vợ con suốt 7-8 năm trời giữa một thị trấn thanh bình gần thủ đô một nước đồng minh(!). Có lẽ việc tìm giết Bin Laden là để hả giận và rửa nhục thì đúng hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng Cuộc chiến chống khủng bố có bản chất siêu thực và nó là thảm hoạ tài chính-quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ Nội chiến Nam-Bắc thế kỷ 19.
Thực tế là sự kỳ quặc của Cuộc chiến chống khủng bố đã góp phần cơ bản làm cho nước Mỹ phải đối mặt với một hiện tượng kỳ quặc trong lịch sử của mình: đánh mất vị trí nhà sản xuất số 1 đã giữ trên 100 năm vào tay Trung Quốc và trở thành con nợ của Trung Quốc; Chính phủ nhiều lần bị đe dọa sụp đổ vì thiếu tiền hoạt động; xã hội bên bờ "tan vỡ" do bất bình đẳng và nhân quyền méo mó.
Bởi 1% dân số ở Mỹ là người giàu đã lũng đoạn hệ thống chính trị và chỉ 5% dân số nhưng chiếm 70% tài sản quốc gia. Nước Mỹ, thậm chí còn đứng sau cả nước Iran Hồi giáo trong bảng thứ tự bất bình đẳng thu nhập. Đặc biệt, Trung tuần tháng 9-2011 đã xảy ra phong trào biểu tình "Chiếm Phố Wall", khởi phát từ thủ đô tài chính New York rồi lan rộng ra 962 thành phố thuộc 83 quốc gia, để phản đối sự bất công kinh tế với lời kêu gọi một cuộc chiến tranh giai cấp (class war) lật đổ giới tài phiệt….
Có lẽ nước Mỹ không bao giờ lấy lại được sức mạnh, uy tín và niềm tin như trước ngày 11-9-2001 nữa. Theo "vận trời" nước Mỹ đang trên đường suy vi với "lộ trình" nhường vị trí số 1 cho nước khác và năm 2011 chính là một cột mốc điển hình của lộ trình đó. Xem bức tranh như vậy, các nhà "cực học" - là các nhà nghiên cứu vốn luôn cho rằng trật tự thế giới bao gồm các cực - hẳn phải bối rối đến phát cáu khi mà một tổ chức chẳng phải cường quốc gì, chỉ là một phong trào, thậm chí không tổ quốc, không chính phủ, không dân cư như Al-Qaeda mà cũng góp phần quan trọng làm cho trật tự thế giới thay đổi. Thế giới ngày nay xem ra không chỉ là thế giới với trật tự của các "cực" nữa dù là đơn cực hay đa cực. Đang hình thành một thế giới mới, hoặc chí ít thì cũng tồn tại song song - thế giới vô cực - thế giới của "cùng phụ thuộc lẫn nhau" mất rồi.
Huyền thoại Trung Hoa mới và hiệu ứng phụ
8 giờ 8 phút ngày 8 tháng 8 năm 2008 (toàn là số phát), cả thế giới nín thở hướng về Sân vận động Tổ Chim ở Bắc Kinh, nơi diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Olympic lần thứ 29 do một ngôi sao toàn cầu đang lên - nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa - tổ chức. Không ai phải thất vọng vì Lễ khai mạc diễn ra hoành tráng hơn toàn bộ 28 lần trước đó.
Công cuộc phát triển quốc gia và nhất là cuộc đua tranh sức mạnh giữa các nước trên thế giới, nếu có thể ví như là cuộc đua Olympic thì đấu thủ Trung Quốc là xuất sắc nhất, vì từ rất xa đã lần lượt bỏ qua các đối thủ để tiến đến vị trí thứ hai trên thế giới. Sự phát triển của Trung Quốc về mọi phương diện trong hơn 30 năm qua thành công đến mức mà các chiến lược gia Phương Tây nghi ngờ rằng nước này đã tìm ra được một công thức - bí quyết của phát triển phồn vinh và bền vững dựa trên các nguyên lý của Đạo Khổng.
Song chẳng có ai, kể cả đạo diễn Trương Nghệ Mưu, biết rằng chỉ 36 ngày sau Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, tức ngày 14-9-2008, ngân hàng khổng lồ 128 tuổi Lehman Brothers bất ngờ sụp đổ kéo theo một dây chuyền domino các ngân hàng khác. Ít người dự đoán được cuộc khủng hoảng các tổ chức tiền tệ trên phố Wall của nước Mỹ đó chính là một "đòn khủng bố 11-9 khác".
Và lần này nó không chỉ đánh vào nước Mỹ mà vào cả châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nền kinh tế toàn thế giới. Cũng vì không dự đoán được mà Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đua nhau "tung chưởng" kích cầu ra để phản công mà thực chất đó chỉ là các khoản tiền vay mượn để bơm vào các nền kinh tế nhằm cứu vãn tình hình.
Dĩ nhiên, phải thừa nhận rằng trong 30 năm cải cách vừa qua, Trung Quốc đã làm nên huyền thoại phát triển tựa như phép thần thông của Tề thiên Đại thánh. Từ một nước đi vận động vay ODA, nay Trung Quốc đã có một "kho báu tiền và vàng" để cho các chủ nợ ODA cũ vay và còn có thể "giải ngân" trên khắp các châu lục. Đúng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm thấy bí quyết thật, nhưng nó không phải nằm trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử mà nằm trong các trước tác và lời dạy của Đặng Tiểu Bình.
Nhìn thấy cơ hội vàng, lãnh đạo Trung Quốc đã quyết làm một bước ngoặt thiên niên kỷ ở đất nước này: mở rộng cửa đón tư bản nước ngoài vào. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm nghìn nhà máy của các nước tư bản phát triển đã mọc lên ở Trung Quốc, sản xuất hàng hoá giá rẻ xuất khẩu ngược về và tạo ra dòng thác ngoại tệ chảy vào kho dự trữ của Trung Quốc. Có tiền, đôi khi đồng nghĩa với việc có thể nắm thế thượng phong. Phát triển hải quân với tốc độ kỷ lục và năm 2011 gây xáo động trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương với các đòi hỏi chủ quyền vô lý, rồi phát triển truyền thông với số tiền đầu tư khổng lồ nhất mọi thời đại nhằm mục tiêu lấn át cả BBC và CNN…, Trung Quốc mong muốn làm lại "luật chơi" trên thế giới và đồng thời "làm lại" đất nước mình.
Theo chiến lược phát triển của Chính phủ, từ nay đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến phải: 1) Trở thành một xã hội đô thị, xanh, phát minh, kết nối và công bằng; 2) Đưa 400 triệu người vào sống ở các đô thị mới để đạt tỷ lệ dân đô thị là 70% trên toàn quốc; 3) Không những trở thành trung tâm thương mại, trung tâm tài chính mà còn trở thành trung tâm sáng chế của thế giới nữa.
Nhưng Olympic Bắc Kinh chính là đỉnh cao của kỷ nguyên phát triển vô tiền khoáng hậu của Trung Quốc. Đó là giai đoạn 10 năm kinh tế thế giới thịnh vượng dưới thời Tổng thống Mỹ Clinton. Rồi đó là giai đoạn 8 năm đầu tiên Trung Quốc được hưởng lợi ích từ tự do thương mại với quy chế thành viên WTO trong một nền kinh tế thế giới ổn định, và cũng là 8 năm Trung Quốc ít phải đối phó với Mỹ vì nước này đi từ sôi sục đến sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Nhưng từ khi ngân hàng Lehman Brothers khởi đầu cuộc suy thoái tài chính thế giới thì tình hình Trung Quốc đã thay đổi rồi.
Gói kích cầu được Chính phủ đưa ra năm 2009, thực chất là để giữ cho được "huyền thoại phát triển cao liên tục" kể cả trong khủng hoảng tài chính thế giới thì nay đã trở thành gánh nợ công khổng lồ. Đơn giản vì đại đa số trong hàng nghìn tỷ đôla kích cầu đó được các ngân hàng trung ương cho các địa phương vay đầu tư tràn lan và thậm chí cả đầu tư "ma" vào hạ tầng với thế chấp dưới chuẩn - kiểu Mỹ - đã tạo ra hiệu ứng phụ bong bóng bất động sản khổng lồ không kém. Đành rằng Trung Quốc có số dự trữ ngoại tệ lớn, nhưng nợ công thì cũng vẫn là nợ thôi, và núi nợ này đang là trái bom nổ chậm trong nền kinh tế số 2 thế giới.
Cuộc chạy "marathon" nhiều năm qua về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đến hai chữ số cũng đã gây ra hàng loạt hiệu ứng phụ chết người khác, như: phát triển mất cân đối vùng miền, tăng khoảng cách giàu nghèo, suy thoái môi trường, bất ổn xã hội với hàng nghìn cuộc bạo loạn. Năm 2011, mô hình phát triển hướng về xuất khẩu - kiểu Trung Quốc - biểu hiện rõ chiều hướng suy giảm và bế tắc khi các thị trường tiêu thụ thác lũ hàng giá rẻ chất lượng trung bình Made in China là Mỹ và châu Âu bị hẫng hụt vì nợ nần.
Khi đất nước còn chưa thể và chưa kịp chuyển sang mô hình mới thì hệ thống tài chính thế giới, cái máy bơm tiền cho Phương Tây để mua hàng Trung Quốc tiêu xài và làm giàu cho kho bạc của Trung Hoa, đã sụp đổ quá nhanh, làm ngẩn ngơ các nhà dự báo… Thật đáng vắt tay lên trán khi nghe Michael Hammer, giáo sư Học viện Massachusetts, người được Tạp chí Business Week bình chọn là một trong các nhà thông thái nhất thập kỷ 1990, nói rằng: "Thành công trong quá khứ hoàn toàn không có hàm ý gì về thành công trong tương lai. Nếu anh nghĩ rằng mình tốt rồi, anh chết!".
Kính thưa Ngài Tiền!
Bức ảnh Tổng thống Pháp Sarkozy hôn vào môi nữ Thủ tướng Đức Markel đăng trên báo chí thế giới cuối năm 2011 đã làm giật mình nhiều người kể cả người ngoài hai gia đình Tổng thống và Thủ tướng. Sự thật thì ông Sarkozy hôn vào má nữ Thủ tướng như thông lệ ở Phương Tây, nhưng bức ảnh đã được cánh nhà báo dùng kỹ thuật photoshop làm môi chạm vào môi. Giới truyền thông hài hước các chính khách rằng Pháp và Đức là hai kỳ phùng địch thủ vốn đánh nhau bao nhiêu lần trong quá khứ nay cớ gì lại quyến luyến nhau như đôi tình nhân vậy? Chuyện là ở tiền nong.
Bắt đầu nhỏ nhẹ và kín đáo từ năm 2009 ở Bồ Đào Nha, rồi bùng phát ở Hy Lạp và đến cuối năm 2011 thì ném tõm hàng loạt nước châu Âu xuống hố. Đó là cái hố nợ nần - nợ công của các chính phủ châu Âu nay đã lên đến con số 5.000 tỷ euro. Chỉ còn hai nước là Đức và Pháp, mà thực chất thì chỉ còn Đức chứ Pháp cũng ngấp nghé miệng hố rồi, là còn có khả năng giúp các nước kia trả nợ thôi. Cho nên ngài Sarkozy đào hoa lúc nào cũng cười tươi với nữ Thủ tướng của đồng DMác là vậy.
Đồng Euro có thể không mất, nhưng giữ được khu vực Euro Zone thì gian nan lắm. Quỹ Giải cứu châu Âu mới gom được 500 tỷ, Mỹ và Trung Quốc thì "ngoảnh mặt đi", Nga vì có tình cảm "ngôi nhà chung châu Âu" nên hỗ trợ 10 tỷ euro nhưng như muối bỏ bể so với 5-6 nghìn tỷ mà các con nợ châu Âu - vốn vang bóng một thời là chủ nợ - đang mong mỏi. Đồng DMác còn khá mạnh nhưng Quốc hội Đức lo ngại sự giải cứu "các hộ nghèo" là chính phủ Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha, Ireland… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chế tạo và quy chế cường quốc xuất khẩu của Đức và bản thân Đức hiện cũng có gánh nợ công hơn 2.500 tỷ đôla.
Vậy là Liên minh Châu Âu có nguy cơ tan vỡ vì nợ, Mỹ suy vi vì nợ, Nhật đánh mất một thập kỷ vì núi nợ công cao gấp mấy lần GDP, Trung Quốc có "bom nổ chậm" nợ công của các tỉnh/thành. Tóm lại, đều là chuyện tiền nong.
Từ cuối thập kỷ 1990, các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tụ họp lại thành một nhóm nước gọi là G20. Năm 2009, Hội nghị các nước G20 bàn về khủng hoảng tài chính toàn cầu, hội nghị năm 2010 đối phó với chiến tranh tiền tệ, năm 2011 bối rối vì khủng hoảng đồng euro.
Vậy là 3-4 năm gần đây chuyện tiền là "nóng" nhất trong các nước giàu mạnh nhất. Thực tế, tiền đang thống trị đời sống của nhân loại đến mức hàng trăm quốc gia, hàng triệu bộ não thông minh cũng chưa đối phó được. Thiếu tiền, khắp thế giới có nổi loạn. Nếu tiền siêu quyền lực vậy, có lẽ ta phải chắp tay vái lạy và gọi "nó" là ngài mất! Vậy thì kính thưa Ngài Tiền, tại sao lại vô lý thế, và bao giờ Ngài mới ban cho thế giới này một cuộc sống yên ổn và bình đẳng, hết khắc khoải và lo âu vì… Tiền?
Đơn giản thôi. Thứ nhất, sự tiêu xài của các nước giàu đã lãng phí đến mức phung phí. Họ nghĩ ra cả một ngành gọi là ngành giải trí nhưng thực ra là Ngành… Nhàn tản (Leisure Industry) để mà tiêu tiền, để mà hưởng thụ mọi cái có thể nghĩ ra được. Chỉ làm cái chân diễn viên điện ảnh như Johnny Depp ở Hollywood thôi mà mỗi năm cũng kiếm được 60 triệu đôla của khán giả - bằng doanh thu của cả một tỉnh ở nước đang phát triển.
Chỉ có đánh golf hàng ngày, mà thực ra là rèn luyện sức khoẻ cho bản thân mình là chính, như Tiger Wood mà cũng kiếm được những 600 triệu đôla - bằng thu nhập của cả ngành du lịch của một nước nhỏ. Khoảng cách thu nhập ở Mỹ cũng vô lý khủng khiếp khi lương thưởng của CEO trong các tập đoàn lớn gấp 320 lần thu nhập của công nhân của họ. Đó là chưa kể ở một số nước, tiền tham nhũng, tiền mua sắm vũ khí, tiền mua ma tuý… mất hàng nghìn tỷ đôla, trong khi ở nhiều nơi trong các nước da màu, người ta mơ đến những bữa ăn đủ dinh dưỡng cần thiết. Thế giới hôm nay có lẽ vẫn như hôm qua thôi: ai giàu cứ giàu, ai nghèo cứ nghèo!
Thứ hai, kinh tế thị trường là kinh tế tiền tệ - vay và cho vay, tức kinh tế tín dụng. Vậy là ai có tiền cho vay, người đó là ông chủ. Nhưng bức tranh kinh tế thế giới năm 2011 không chứng minh chân lý này vì cả người cho vay cũng khốn đốn. Có nghĩa rằng muốn vận hành tốt kinh tế thị trường thì phải kiểm soát được vấn đề vay và cho vay, hay là chế ngự được tiền. Tạp chí Time của Mỹ hôm 22/8/2011 viết: "Đã kết thúc kỷ nguyên của Phương Tây và các triết lý Phương Tây về cách phát triển phồn vinh… Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không những lay động tương lai của thị trường, việc làm và sự phồn vinh quốc gia mà lay động toàn bộ cách chúng ta tư duy về tương lai thế giới".
Thứ ba, chủ nghĩa tiêu dùng quá đáng, chủ nghĩa tự do cá nhân quá đáng, mô hình thị trường tự do quá đáng và sự mất thăng bằng văn hóa ở phương Tây đã làm cho chính chủ nghĩa tư bản thế giới rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đến nỗi Ken Rogoff, giáo sư ĐH Harvard phải nêu câu hỏi: "Liệu chủ nghĩa tư bản hiện đại có được duy trì?", và tự trả lời: "tương lai của chủ nghĩa tư bản trong vài thập kỷ tới có thể không được đảm bảo như hiện nay". Còn Charles Handy, nhà viết sách độc lập người Anh đã từng bán được 8 triệu bản sách của mình trên khắp thế giới, thì nói thẳng rằng: "Trong trái tim của chủ nghĩa tư bản có căn bệnh ung thư. Đó là sự thiếu vắng một lý tưởng để khuấy động trái tim như chủ nghĩa cộng sản - lý tưởng về sự công bằng và phồn vinh cho tất cả mọi người…, nhưng chủ nghĩa cộng sản đã không có một cơ chế thích hợp để thực hiện lý tưởng đó".
Trong khi chờ chủ nghĩa tư bản biến mất và chủ nghĩa cộng sản thành hiện thực, có lẽ ta cần tìm ra được công cụ để chế ngự Tiền đã. Không có gì xa lạ, công cụ đó chính là trật tự tiền tệ thế giới. Vậy sự bất hợp lý không nằm ở bản thân Tiền, mà nằm ở Trật tự tiền tệ, tức là cách thức chúng ta phân bổ tiền trong xã hội và định ra bậc thang tiền tệ trên thế giới. Trật tự này thực ra đã có và cũ rích rồi. Vào thập kỷ 1970 khi bị suy yếu do chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải chấp nhận một trật tự tiền tệ mới do 6 nước công nghiệp Phương Tây và Nhật Bản, gọi là G7, kiểm soát.
Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, các nước G7 phải mở rộng hơn câu lạc bộ này lên đến 20, bao gồm tất cả các nước kinh tế mạnh nhất của 5 châu lục với đủ loại màu da. Nhưng tại sao hệ thống tiền tệ thế giới vẫn dựa trên các thiết chế Bretton Wood từ năm 1944 với các công cụ cũ như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)? Đó là câu trả lời thứ tư của… Ngài Tiền.
Vậy, kính thưa Ngài Tiền! Xin Ngài hãy vui lòng vào trong ngôi nhà Trật tự tiền tệ toàn cầu, thay vì căn phòng Trật tự tiền tệ thế giới có từ năm 1944. Bây giờ số các nước phương Đông có mặt trong câu lạc bộ các nước giàu G20 đã nhiều hơn các nước phương Tây rồi, số các nước da màu đã nhiều hơn các nước da trắng rồi, vậy thì cần thiết và không thể không cải cách Trật tự Tiền tệ Thế giới thành Trật tự - Tiền tệ - Toàn cầu với câu lạc bộ G20+++… Dĩ nhiên, để có được trật tự tiền tệ toàn cầu phải trải qua nhiều gian nan nữa, trong đó có việc giữ vững được các đồng nội tệ. Song đến lúc đó Tiền sẽ không còn là nỗi thống khổ, không phải là Ngài đối với đại đa số nhân loại nữa mà là Niềm vui, là Bạn.
Và nếu như thế thì mỗi độ Xuân về, không có lý do gì mà Ngọc Hoàng không mỉm cười với Nam Tào, Bắc Đẩu. Bởi tất cả những người theo Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Hồi hay đạo khác hoặc không đạo nào, có nghĩa là mọi nền văn hoá, đều đã tôn trọng lẫn nhau. Họ ngộ ra rằng sống trong giao thoa, đồng thuận và công bằng thay vì "xung đột giữa các nền văn minh" một cách ích kỷ, vẫn hơn.
Xuân Nhâm Thìn, 2012
Vũ Sơn Thủy
Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam
Theo Dân Trí