Tận dụng thương mại điện tử, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa

Thứ hai, ngày 12/12/2022

(BDO) Linh hoạt ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) cùng với kênh bán hàng truyền thống, ngành công thương đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) khai thác tốt các cơ hội thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu.

Thích ứng với tình hình mới

Những tháng cuối năm thường là dịp nhiều hoạt động kết nối, kích cầu hàng Việt được triển khai, trong đó nổi bật là các hoạt động, chương trình như: Tuần hàng Việt Nam, tổ chức kết nối giữa các DN, hợp tác xã địa phương với các chuỗi cung ứng, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu , cụm công nghiệp…

Năm 2022, với nhiều chương trình, hoạt động quảng bá, khuyến mại dành cho hàng Việt thật sự là một cơ hội lớn để DN tiếp cận và phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất Bình Dương. Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển công nghiệp, Sở Công thương, trong năm 2022, các chương trình nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình này nhằm quảng bá các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là các sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng, công nhân, người lao động trong tỉnh. Trong thời gian diễn ra chương trình, đơn vị làm việc với các trung tâm thương mại, siêu thị, DN, chợ trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dành cho hàng Việt.


Ngành công thương tổ chức định hướng và đẩy mạnh kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử tại BINH DUONG EXPO 2022

Bà Bùi Thị Đoan Phượng, cơ sở lạp xưởng Cô Giáo Phượng (huyện Bàu Bàng), cho biết: “Đây là năm đầu tiên cơ sở sản xuất tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với sự hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương. Thông qua chương trình, cơ sở sản xuất mong có thêm điều kiện, cơ hội tiếp xúc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời mong muốn chương trình được thông tin, quảng bá nhiều hơn nữa để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các mặt hàng thế mạnh, thương hiệu của địa phương, trong đó có các sản phẩm của cơ sở sản xuất của mình”.

Tại các hội chợ kết nối giao thông nhiều gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, giới thiệu sản phẩm của cơ sở, DN chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ, máy móc thiết bị cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghệ Năng (TP.Thuận An), cho biết thông qua các chương trình, hội nghị kết nối giao thương với các chuỗi bán lẻ, các địa phương, công ty có dịp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các khách hàng, đối tác tiềm năng. Đây cũng là dịp để công ty kết nối sản phẩm của công ty với các đơn vị sản xuất công nghiệp, để hướng tới Iiệc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất địa phương, các chủ thể OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Từ đó, tạo điều kiện để sản phẩm thế mạnh, đặc sản và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận, kết nối các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm cho các sản phẩm địa phương…

Ứng dụng công nghệ

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Ván ép và cơ khí Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho biết trong bối cảnh kinh doanh có nhiều thay đổi, nhất là diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới, việc bám sát thị trường giúp DN có thêm những phương án thích nghi với tình hình mới. Vì thế việc mở thị trường mới, phát triển thị trường nội địa vẫn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng của DN.

Trong khuôn khổ Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2022 (BINHDUONG EXPO 2022), Sở Công thương tổ chức hội thảo kết nối cung - cầu từ truyền thống đến hiện đại. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để kết nối cung - cầu trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Hội thảo cũng là dịp để các DN, hộ sản xuất, kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tại hội thảo, các công ty công nghệ thông tin như SDConnect, Sbusiness cũng chia sẻ các giải pháp thúc đẩy doanh thu trong kinh doanh trực tuyến, xây dựng các kênh Tiktok, Instagram, Facebook để tiếp cận nhiều khách hàng hơn…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương và các DN đã tập trung thực hiện các chương trình hợp tác thương mại thông qua việc hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua các kênh truyền thống, định hướng và đẩy mạnh kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay, Sở Công thương tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại với phương thức truyền thống để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa. Cụ thể, duy trì và củng cố các kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; đồng thời thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, sàn thương mại điện tử, hướng dẫn DN sản xuất, cung ứng mở rộng và tiếp cận kênh phân phối mới để từng bước thực hiện chuyển đổi số.

TIỂU MY - THẠNH MỸ