Tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu
(BDO) Với chủ đề ‘Tận dụng cơ hội - Vững bước tiến mới”, hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ đã đề ra các giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Lãnh đạo tỉnh, Bộ Công thương thăm các gian hàng tại hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ
Chủ động nắm bắt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ trong 10 tháng năm 2023 đạt 181,4 tỷ USD, chiếm 32,4% cả nước. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh duy trì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt 80,4 tỷ USD. Hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch cao trên 30 tỷ USD với lần lượt 43,1 tỷ USD và 30,9 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết thông qua hội nghị nhằm hỗ trợ các DN nhận diện cơ hội thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa vùng Đông Nam bộ, nắm bắt xu hướng nhập khẩu sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường của thị trường EU. Bên cạnh đó, thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, da giày sang thị trường Nam Mỹ; giới thiệu các xu hướng ngành hàng liên quan đến thương mại điện tử, các nền tảng số và cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua Walmart.com, cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại với các DN Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, cho biết hội nghị đã thảo luận về đa dạng các vấn đề quan trọng đối với việc tăng cường năng lực nội sinh của DN và của vùng Đông Nam bộ để xúc tiến thương mại và xuất khẩu, nhập khẩu hiệu quả hơn trong thời gian tới. “Đây thật sự là cơ hội để các DN cập nhật những kiến thức về xuất khẩu, sản xuất, lựa chọn hướng đi phù hợp của mình trong bối cảnh hiện nay. DN, doanh nhân trong vùng Đông Nam bộ, trong nước và nước ngoài có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đến thị trường quốc tế”, ông Danny Võ cho biết.
Đánh giá về tình hình kinh tế và bước đi của DN, ông Danny Võ cho rằng tình hình kinh tế vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo sẽ còn nhiều yếu tố gây khó khăn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng trước tác động kép từ các yếu tố bất lợi cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, vùng Đông Nam bộ là khu vực kinh tế năng động, có độ mở lớn nên chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá, thị trường xuất khẩu thu hẹp, thiếu đơn hàng xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng chính nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức. Chính vì thế, DN cần phải nhận diện rõ cơ hội, thách thức và xu hướng của thị trường để nắm bắt cơ hội phát triển.
Thúc đẩy liên kết sản xuất
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường hệ sinh thái xuất nhập khẩu; thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối đối tác, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của các địa phương trong vùng. Đồng thời, chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các DN khai thác có hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương vùng Đông Nam bộ, hỗ trợ các DN trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước; tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển năng động hơn nữa, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TIỂU MY - CẨM TÚ