Tận dụng cơ hội, đón đầu xu hướng tự động hóa

2024-06-20 07:37:54

Sáng 19-6, Triển lãm Công nghiệp và sản xuất Việt Nam (VIMF 2024) chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm quốc tế - WTC Expo (Bình Dương). Triển lãm hứa hẹn sẽ là hành trình kết nối cung cầu, đa dạng hóa các thiết bị, máy móc, giải pháp tự động ứng dụng trong công nghiệp, tạo động lực giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Kết nối hợp tác giao thương

Triển lãm VIMF quay trở lại tổ chức tại Bình Dương nhằm định hình sự bền vững của thị trường và thương hiệu của triển lãm, tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài nước dễ dàng hợp tác giao thương, tìm kiếm đối tác. Triển lãm hứa hẹn sẽ là nơi để các tập đoàn, DN, nhà đầu tư, cá nhân cùng nhau kết nối sâu rộng, cập nhật kiến thức mới hữu ích trong ngành công nghiệp sản xuất và tự động hóa.

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tiến hành nghi thức khai mạc triển lãm VIMF 2024. Ảnh: NGỌC THANH

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, thay đổi toàn diện mọi khía cạnh trên thế giới. Để thành công trong thế giới công nghệ hiện đại, DN không chỉ cần đẩy mạnh công nghiệp hóa mà còn quan trọng là áp dụng tự động hóa, xu hướng không thể bỏ qua trong tương lai.

Triển lãm VIMF 2024 diễn ra tại Bình Dương từ ngày 19 đến 21-6-2024, quy tụ hơn 450 tổ chức và DN đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ngành hàng chủ yếu được trưng bày tại VIMF 2024 bao gồm: Cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ in, kho bãi và logistics, robot, công nghiệp phụ trợ... VIMF 2024 sẽ tạo cơ hội cho việc kết nối vàthúc đẩy giao thương giữa các nhàcung cấp thiết bị, máy móc công nghệvới các nhàsản xuất.

Theo đại diện Công ty Cổ phần RTC Technology Việt Nam, triển lãm sẽ tạo động lực giúp các DN trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, thực hiện theo chiến lược phát triển nhóm ngành ưu tiên: Công nghiệp cơ khí chế tạo, tự động hóa, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, điện tử, năng lượng mới và năng lượng tái tạo... Tham gia triển lãm lần này có các thương hiệu nổi bật như: Siemens, Mitsubishi, Autonics, Hanyoung Nux, Emin, Kawasaki, Fanuc, Logiform, Interoll, Brother, Astec, RTC, Tan Hung, Komogawa, Helukabel, I-motion, Accretech. Degson, IFM, Universal Robot, Wolfram, Eaton, Makitech, Roeders, Zeiss, Hiwin...

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết VIMF được tổ chức lần thứ 6 tại Bình Dương đã trở thành một hoạt động thường niên, đánh dấu sự phát triển giao thương công nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, sản xuất thông minh và tự động hóa không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòn bẩy quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho tỉnh Bình Dương. Triển lãm hứa hẹn sẽ là hành trình kết nối cung cầu, đa dạng hóa các thiết bị, máy móc, giải pháp tự động ứng dụng trong công nghiệp.

Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp của cả nước khi sở hữu 38 khu công nghiệp (KCN) được đầu tư bài bản và là điểm đến đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, Bình Dương có hơn 4.300 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,6 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Kỳ vọng công nghiệp công nghệ cao

Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, điều rõ ràng là các DN trong nước cần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, cũng như liên kết chặt chẽ và sâu rộng hơn nhằm tạo ra sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu. Các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực.

Hiện lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào Bình Dương. Tỉnh đang tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, giúp nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả.

Một gian hàng trưng bày tại VIMF 2024

Ông Mai Hùng Dũng cho biết đến nay, nhiều DN tại Bình Dương đã tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...

Triển lãm VIMF 2024 tại tỉnh thêm một lần nữa sẽtạo cơ hội cho việc kết nối vàthúc đẩy giao thương giữa các nhàcung cấp thiết bị, máy móc công nghệvới các nhàsản xuất đểcác bên cóthểcùng nhau thảo luận vềkhảnăng hợp tác, mởrộng mạng lưới kinh doanh. Triển lãm cũng hỗtrợcác DN, đặc biệt làcác DN vừa vànhỏViệt Nam gia tăng sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp vàsản xuất.

“Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các DN trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác DN trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

NGỌC THANH

Báo Bình Dương