Tâm tình nghề bưu tá

Thứ hai, ngày 12/01/2015

Mặc cho nắng nóng oi bức, hay những cơn mưa tầm tã, trên khắp các nẻo đường từ nông thôn đến thành thị, không nơi nào vắng dấu chân người bưu tá. Họ mang những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm đến trao tận tay người nhận. Họ trở thành “nhịp cầu nối” thông tin cho nhân dân.

(BDO)  

Bưu tá huyện Dầu Tiếng đang soạn công văn, thư, báo chuẩn bị hành trình phát thư, báo cho nhân dân Ảnh: T.LÝ

Dấu chân bưu tá

Trong sự phát triển của thế giới hiện đại, khi internet với các trang báo mạng, mạng xã hội, hòm thư điện tử… đã trở nên phổ biến thì vẫn còn đó hình ảnh những người bưu tá âm thầm, miệt mài với công việc như những “cánh chim không mõi”. Có dịp theo chân bưu tá đã có 34 năm gắn bó với nghề và ông lý giải cho sự yêu nghề ấy là niềm đam mê. Đó là ông Trần Ngọc Hùng (SN 1952), phụ trách bưu tá phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Vừa cầm tấm bưu thiếp không rõ số nhà nhưng ông đã xác định được vị trí cần đến. Rời nhà thứ nhất, chúng tôi rong ruổi theo ông đến nhà thứ 2 và thứ 3… cho đến thứ 20 để giao thư trong một buổi chiều. Nhiều gia đình không có người nhận thư, ông đánh số và để tối đến giao hoặc sáng mai giao sớm.

Chia tay người bưu tá “già”, chúng tôi theo bưu tá Huỳnh Minh Long (SN 1987). Anh Long được đảm nhận giao thư, bưu phẩm tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Vốn là thợ điện, anh chuyển sang làm bưu tá để giảm bớt nguy hiểm của công việc. Những ngày đầu bỡ ngỡ, anh không xác định rõ đường, số nhà, khu phố nên giao thư chậm. Sau 3 năm theo nghề, mọi ngõ ngách ở phường Phú Cường giờ đây đã nằm trong đầu anh. “Ngày đầu theo nghề mình gặp khó khăn với những lá thư không rõ số nhà, hoặc số nhà cũ. Để giao được những thư khó phải liên hệ trưởng hoặc phó khu tìm chủ nhà để trao tận tay”, anh Long cho biết.

Đem đến niềm vui

Theo chân những người bưu tá trên khắp các ngả đường, gặp gỡ người nhận thư, bưu phẩm, chúng tôi mới cảm nhận được câu nói: “người bưu tá là “cầu nối” thông tin cho nhân dân”. Nhất là những lá thư, bưu phẩm được người dân chờ đợi từng ngày. Họ vui mừng, hạnh phúc khi nhận được nó. Dừng chân trước nhà bà Trần Thị Nữ, phường Phú Cường, TP.TDM, người bưu tá chỉ cần bấm chuông, trong nhà đã có tiếng vọng lại: “Để tôi ra mở cửa cho chú. Tôi chờ bưu phẩm mấy bữa nay”. Nhận lấy bưu phẩm, bà Nữ như “vỡ òa” hạnh phúc vì đó là những tấm hình đứa cháu trai đích tôn, quà con trai ở xa gửi về cho ba mẹ. Bà Nữ bộc bạch: “Tôi rất quý mấy chú bưu tá, các chú luôn giao thư, bưu phẩm cho tôi nhanh, kịp thời. Dù trời nắng như đổ lửa hay mưa dầm, hễ có thư là các chú đều giao đúng thời hạn. Ai cũng vui vẻ, lễ phép với khách hàng”.

Xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng là địa bàn tương đối rộng nên anh Hồ Văn Dương (SN 1989), bưu tá xã mất khá nhiều thời gian cho công việc. Bình quân mỗi ngày anh phải chạy xe khoảng hơn 50km để chuyển công văn, thư và báo tới tận tay người nhận. Vừa đảm nhận công việc của một bưu tá vừa phải phụ giúp gia đình làm vườn nhưng điều khiến anh thấy vui nhất là đem nhiều tin vui tới mọi nhà. Những niềm vui ấy lại tiếp thêm cho anh động lực để gắn bó và say mê với nghề. Anh Dương tâm sự: “Vào tháng 8, sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường có giấy báo điểm gửi về cho học sinh. Nhiều em trúng tuyển được nhận giấy báo, các em ấy vui mừng khiến tôi cũng thấy phấn khởi và yêu công việc của mình hơn. Đối với những gia đình, cá nhân được bạn bè, người thân ở xa gửi tặng quà khi nhận họ vui mừng làm mình cũng vui lây”.

Công việc bưu tá ngày ngày rong ruỗi trên khắp nẻo đường với nam đã vất vả, đối với nữ càng vất vả hơn. Thế nhưng vượt qua mọi khó khăn, các chị bưu tá nữ vẫn cố gắng đem niềm vui đến với mọi người. Sau một ngày làm việc, những người bưu tá nữ ấy lại trở về với mái ấm gia đình, để ngày hôm sau, tiếp tục cuộc hành trình đem niềm vui đến với mọi người.

Trăn trở của bưu tá

Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, hiện nay trong tỉnh có gần 150 người là bưu tá trong biên chế, bưu tá phường, xã (hợp đồng thuê khoán). Gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ” bên cạnh niềm vui, họ cũng chất chứa nhiều nỗi buồn, trăn trở. Bưu tá Trần Ngọc Hùng nói, nghề bưu tá cũng lắm chuyện gian nan. Thời tiết dù thế nào cũng vẫn phải “lên đường” để hoàn thành nhiệm vụ. Do đặc thù công việc ở ngoài đường nên khó tránh được tình trạng lạc tay lái, xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt, mỗi khách hàng có một kiểu ghi địa chỉ khác nhau, có người thậm chí ghi sai cả tên đường, hoặc chỉ ghi tên đường, không rõ xã, phường. Khi đó, bưu tá phải liên hệ, hỏi thăm khắp nơi để chuyển thư, bưu phẩm đến đúng địa chỉ.

Trước khó khăn, những người bưu tá không nản chí mà cố gắng vượt qua. Theo những người bưu tá có thâm niên, để giảm bớt “gánh nặng” cho bưu tá, người gửi thư chỉ cần ghi đúng địa chỉ của người nhận: số nhà, đường phố, xã (phường), huyện, thành phố, tỉnh. Mặc dù có rất nhiều thư rơi vào những tình huống khó nhưng bưu tá vẫn nỗ lực tìm mọi cách để phát, trường hợp quá “hóc” mới chuyển hoàn. Các bưu tá phải tự định hình trong đầu “tấm bản đồ riêng” được hình thành do quá trình tích lũy kinh nghiệm của mình để thuận lợi cho công việc chuyển phát.

Nhiều khó khăn như vậy nhưng nghề bưu tá vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng nghĩa vì là nghề có hệ số lương thấp nhất trong hệ thống danh mục ngành nghề Bưu chính viễn thông. Do đó, nếu không thực sự yêu nghề, thì người bưu tá khó lòng trụ được với nghề... Ông Phạm Ngọc Thiên, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận chuyển Thủ Dầu Một cho biết, để cải thiện cuộc sống của anh em bưu tá, bưu điện đã liên kết để bưu tá tham gia giao thư, bưu phẩm, thu cước bảo hiểm, dịch vụ khác... Ngoài ra, các bưu tá được đóng bảo hiểm thân thể để anh em yên tâm công tác.

 

 Đ.TUÂN - T.LÝ

 


Từ khóa: