“Tam nông” chuyển biến tích cực, hiệu quả cao

Thứ bảy, ngày 22/04/2023

(BDO)  Nông nghiệp ngày càng nâng cao giá trị, nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời, đó là thành quả của một quá trình dài xây dựng, phát triển của vùng đất Bình Dương kể từ ngày đất nước thống nhất. Nông nghiệp giờ đây là liên kết, thu hút đầu tư nâng cao chuỗi giá trị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

 Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp Bình Dương. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng

 Chuyển dịch đúng hướng

Để tạo sự chuyển biến trong sản xuất, chăn nuôi, khai thác và phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện của từng vùng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ sản xuất tự phát, manh mún, lạc hậu, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 5.760 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp của tỉnh là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà”.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng chuyến biến tích cực theo hướng tập trung, quy mô lớn, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại an toàn sinh học đang dần thay thế việc chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổng đàn gia súc của tỉnh gần 750.000 con, tổng đàn gia cầm trên 13,5 triệu con với tổng sản lượng thịt xuất chuồng đạt hơn 200.000 tấn.

Bên cạnh đó, Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cục Thú y đã công nhận 10 vùng ATDB cấp huyện trên địa bàn tỉnh, 47 cơ sở ATDB cấp xã và 185 trang trại chăn nuôi ATDB.

Đến cuối năm 2022, giá trị ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định bình quân từ 3%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 18.000 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh đến cuối năm 2022 là 3,12%, tuy giảm tỷ trọng nhưng giá trị tăng gấp 14,2 lần so với năm 1997.

Phát huy tiềm lực

Những dấu mốc của ngành nông nghiệp tỉnh không chỉ phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng, mà còn cho thấy kết quả của việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được Bình Dương đã tập trung thực hiện. Đây cũng chính là một trong những nội dung cốt lõi để Bình Dương triển khai cóhiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trên từng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định; hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, hoạt động lãnh đạo, điều hành ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với các mục tiêu của chương trình. Nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng, năm 2022 đạt 73 triệu đồng/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 41,76 triệu đồng/năm); tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 vùng Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước; diện tích trồng cao su và sản lượng mủ khô xếp thứ 2; số lượng đàn heo xếp thứ 8, số lượng đàn gia cầm xếp thứ 12 toàn quốc; năng lực chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Năm 2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Đây là sự khẳng định cho thành công của ngành nông nghiệp Bình Dương mà Nghị quyết 26 là kim chỉ nam.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Trong quá trình hình thành và phát triển với vị thế là tỉnh có mức độ đô thị hóa cao, tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu cả nước đã tạo nhiều lợi thế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp của tỉnh về chi phí nhân công, đất đai, cơ hội thu hút vốn đầu tư. Trước những khó khăn thách thức, ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo và đạt được nhiều bước tiến lớn, nhiều lĩnh vực được đánh giá là đi đầu cả nước”.

Bước sang giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương xác định tiếp tục phát huy nền tảng đã có, vận dụng sáng tạo hơn nữa nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn liền với định hướng mới của đề án thành phố thông minh - vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Đồng thời, bứt phá, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp, tiên tiến ứng dụng công nghệ, phát huy tiềm lực, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với làng thông minh, đưa nông nghiệp, nông thôn lên một tầm cao mới.

 UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thy sản tăng bình quân 2,5 - 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị; 20% diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); 30% số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP).

 THOẠI PHƯƠNG