Tạm nhập và... biến mất!

Thứ năm, ngày 10/05/2012

Hiện nay, quy định thời gian cho lưu hàng tạm nhập để sản xuất hàng xuất khẩu ở Việt Nam lên tới 120 ngày và có thể gia hạn thêm 180 ngày nữa. Ngoài ra, luật hiện hành có những điều khoản quy định thời gian ân hạn nộp thuế. Theo Điều 42 Luật Quản lý thuế, đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thì thời gian ân hạn nộp thuế là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn 275 ngày để phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp (DN).

Con số thống kê được báo cáo từ cơ quan Hải quan của Bộ Tài chính về tổng kiểm tra hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển năm 2011, cho thấy đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm container hàng “tạm nhập tái xuất” là hàng cấm, hàng không khai báo trong hồ sơ, như chân gà, thịt đông lạnh, nội tạng động vật... Còn con số được Bộ Công Thương công bố tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2012 của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại diễn ra vào cuối quý I-2012, thì trong 5.000 ô tô nhập vào Việt Nam với hình thức “tạm nhập tái xuất” từ năm 2003 đến nay, chỉ có 1.000 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại.

Trong “tạm nhập tái xuất” còn có một kẽ hở được DN tận dụng: Lợi dụng thời gian ân hạn nộp thuế là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, DN sẽ liên tiếp cho mở tờ khai hải quan kiểu “gối đầu hàng”, sao cho “đơn hàng cuối” vẫn nằm trong phạm vi ân hạn nộp thuế 275 ngày của đơn hàng đầu. Đến ngày phải nộp thuế, nhân viên Hải quan tìm đến thì DN đã... “biến mất”!

Phải cầm dao đằng cán. Vậy là cơ quan Hải quan “thòng” giấy phép con hồ sơ tạm nhập tái xuất của DN phải có bảo lãnh của ngân hàng. Cái khó ở đây với những DN làm ăn tử tế là làm sao để ngân hàng chịu mở tín dụng thư cho những lô hàng này khi mà DN đang thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất? Thật đúng, đã khó càng thêm khó!

CAO MINH